Xin lỗi để hoà giải và đoàn kết dân tộc



Phùng Mai
Sáng ngày 13-2-2008 Canberra Úc Châu, hằng ngàn người bản xứ da đen (thổ dân Aboriginal), da trắng gốc Anh cùng nhiều sắc tộc khác mở hội nhẩy mừng bên ngoài toà quốc hội Canberra Úc châu, cùng lúc hằng ngàn người ở Melbourne cũng tụ tập ở City Square (nơi được kiến trúc công phu và trang trí mầu sắc thổ dân) để nghe thủ tướng xin lỗi người bản xứ.

Hơn 100 năm qua cho đến năm 1969, ít nhất một trăm ngàn (100000) trẻ em thổ dân đã bị đem đến các trại giam giữ, trại mồ côi hoặc giao cho những gia đình người da trắng nhận con nuôi dưới chính sách đồng hoá của chính phủ Úc, chính sách này hiện nay gọi là “Stolen Generations”( thế hệ bị bắt cóc). Các em này bị tách rời gia đình, họ hàng. Điều gây tai tiếng cho chính quyền Úc vì các em không được cho biết cha mẹ của các em đang ở đâu, các em không được biết hoặc biết sai lệch vì sao họ lại là những đứa trẻ mồ côi. Hiện nay nhiều người đã khám phá rằng họ không hề mồ côi, trái lại, cha mẹ họ rất đau khổ vì bị mất con.

Tuy nhiên cũng một số người Úc da trắng hiện nay vẫn không chia sẻ quan niệm trên, họ cho rằng người da trắng đã cứu giúp các trẻ em người thổ dân bị cha mẹ ruồng bỏ. Các cơ quan truyền thông phỏng vấn một số người đã từng nuôi các trẻ mồ côi này, được biết là các em không hề nhớ nhà, không hề than phiền và được chăm sóc tận tình.

Có nhiều người phản biện rằng, cám ơn chính phủ đã có chính sách chia ly gia đình họ để chăm sóc họ cho chu đáo, đầy đủ dinh dưỡng, đã cho họ ăn học nên người, tuy nhiên ngay cả nững người nuôi các trẻ em thổ dân cũng không hề rõ tông tích các em, bên cạnh đó các em còn quá nhỏ nên không hề biết gì để nhớ nhà, vì thế chính phủ phải xin lỗi những bà mẹ bị mất con trong khi họ không hề muốn gởi con vĩnh viễn, phải xin lỗi những người muốn biết cha mẹ mình mà chính phủ không thể giúp họ tìm kiếm tông tích, khi họ tìm được quê quán thì đã quá trễ!

Ngày 26-5-2000, hằng triệu dân Úc khắp nơi diễn hành đòi hỏi chính phủ John Howard phải xin lỗi, họ gọi là “Sorry Day” Tôi nhớ rõ trong thời gian ấy, đứa con đầu lòng của tôi lúc ấy 7 tuổi, từ trường tiểu học nó mang về một dĩa CD có duy nhất 1 bài hát, bài hát ấy tôi không nhớ tên nhưng lập đi lập lại chữ Reconciliation (hoà giải). Nó bắt cả 2 vợ chồng tôi cùng nghe vì CD ấy “quan trọng” lắm! Nó bảo thế…Tôi cũng nhớ rõ hai chiếc máy bay thả khói trắng, lượn trên bầu trời Sydney vẽ chữ SORRY. Ở dưới đất hằng ngàn người diễn hành quanh Opera House và hát bài mà đứa con tôi mang về hôm trước.

Ngày 13-2-2008 là một bước ngoặc lịch sử của nước Úc, nó đánh dấu chấm hết cho sự tranh đấu lâu dài, rất gay go nhưng ôn hoà, không khoan nhượng nhưng không bạo động của những người đòi công lý, đòi lẽ phải, đã gặp nhiều cản trở trong thời thủ tướng John Howard nắm quyền. Người Úc đã nhìn thấy những ngấn lệ tuôn trào của những bà mẹ người thổ dân và những đứa con hoặc con lai ôm mẹ an ủi nghẹn ngào…Nhiều nhân sĩ da trắng vui cười hò reo sung sướng, họ tin rằng ngày này sẽ giúp cho nhiều người Úc có thể tiến đến sự hoà giải thật sự.

Nỗi xúc động khi nghe Kevin Rudd xin lỗi...

Việc xin lỗi này chỉ diễn ra khi đảng Tự Do thất bại, ông John Howard về vườn nhường chỗ cho ông Kevin Rudd thủ lãnh đảng Lao Động đã thắng cử vào ngày 24-11-2007. Trước đó, John Howard kiên định chống lại việc xin lỗi này mang tính cách quốc gia.

Tôi là người Việt Nam, gia nhập quốc tịch Úc như một lẽ đương nhiên vì cần đi học và vì công việc làm, có lẽ tôi không có nhiều lý do để xúc động khi thấy những hình ảnh trên, nhưng sao cuống họng cứ nghẹn ngào một cách vô duyên? Để chuẩn bị cho ngày lịch sử ấy, thủ tướng đã đến gặp một số nhân sĩ người thổ dân, trên TV tôi thấy thủ tướng Úc Kevin Rudd bái quỳ, chân trái tiến lên phía trước hạ thấp người xuống, đầu gối bên phải ông quỳ chạm đất, ngẩng cổ lên đưa tay nắm lấy tay một người phụ nữ thổ dân một cách lễ phép. Hình ảnh ấy khiến nước mắt tôi dàn dụa nên tôi không nghe được Kevin Rudd đã nói gì với bà. Tôi không nén được niềm vui chung với mọi người Úc, nỗi xúc động này trong tôi một lần nữa dâng tràn vì một anh bạn người Úc vừa bước vào văn phòng, anh nói với những đồng nghiệp quanh tôi rằng: (tiếng Anh) “Ai cũng xem chính phủ xin lỗi việc bắt cóc trẻ em thổ dân”. Có lẽ anh đã để ý khi bước vào văn phòng, anh đã thấy trên màn cảnh computer của những người đi làm sớm như tôi đang theo dõi tin tức hết sức cảm động này…

As Prime Minister of Australia I am sorry. On behalf of government of Australia I am sorry. On behalf of Paliament of Australia I am sorry.

Là thủ tướng của Úc Đại Lợi tôi xin lỗi. Thay mặt cho chính quyền của Úc tôi xin lỗi. Thay mặt cho quốc hội Úc tôi xin lỗi.

For the pain, suffering and hurt of these Stolen Generations, their descendants and for their families left behind, we say sorry.

Cho sự đau đớn và thương tổn của thế hệ bị bắt cóc, con cháu của họ và gia đình họ bị bỏ lại, chúng tôi có lời xin lỗi.

To the mothers and the fathers, the brothers and the sisters, for the breaking up of families and communities, we say sorry. And for the indignity and degradation thus inflicted on a proud people and a proud culture, we say sorry.

Đối với những cha mẹ, anh chị em, việc chia rẽ gia đình và cộng đồng, chúng tôi có lời xin lỗi. Đối với sự sỉ nhục, làm mất thanh danh, gây thương tổn đến một phong tục xứng đáng tự hào. Chúng tôi có lời xin lỗi.

Trông người mà nghĩ đến ta:

Tôi chia sẻ niềm vui ấy với người bạn Úc ở trên và ước mong bước ngoặc lịch sử ấy cũng đến với dân tộc Việt Nam. Anh nhìn tôi lắc đầu với ánh mắt thất vọng và bảo: Giết người, tra tấn người, bắt người ta vào tù một cách vô tội mà so sánh với “stolen generations” để mà có lời xin lỗi quả là không xứng đáng. Theo như anh thì không thể có lời xin lỗi để mà hoà giải được, kẻ phạm tội phải bị trừng phạt trước toà án một cách công minh. Tôi im lặng ngồi vào bàn với công việc hằng ngày…

Là người Việt Nam, đặc biệt những người đã trải qua cuộc cải cách ruộng đất, nhân văn giai phẩm, Xét lại chống đảng, thảm sát Mậu Thân, Kinh tế mới, tù cải tạo, những người phải mua bãi bến để vượt biên bán chính thức và không chính thức để rồi bị bắt trở lại, rồi bị kết tội phản bội tổ quốc, nếu thoát được ra khơi thì bị chết đuối/đói, bị hãm hiếp trên biển cả v.v… Xét về tâm lý của họ trong lúc ấy, tôi tin rằng họ không chấp nhận một lời xin lỗi nào của đảng cộng sản Việt Nam, họ cần phải trả thù, đây là mối thù truyền kiếp. Điều ấy phản ảnh một cách khách quan qua cách suy nghĩ của người bạn Úc làm chung với tôi, mặc dù hầu hết người Úc “thòi lòi” rất nhân đạo.

Nếu người Úc tự hào về nhân đạo thì người Việt cũng vị tha. Không ai có thể phủ nhận lòng căm thù cộng sản của người dân miền Nam nói chung và Việt kiều nói riêng đã thay đổi không còn cực đoan như trước, song song với lòng vị tha ấy, rất nhiều đảng viên cộng sản đã tự đấm ngực ăn năn, rất nhiều Việt kiều đã khoác vai các cựu đảng viên cộng sản cùng khóc cho một dân tộc kém may mắn. Những kẻ nguỵ quyền bán nước ngày xưa nay trở thành những người yêu nước, những kẻ xâm lược miền nam ngày xưa, bây giờ họ muốn Việt kiều về …(xâm lược) cộng tác, và rất nhiều người đà trở thành chí hữu của Việt kiều. Sau hơn 32 năm ông Võ Văn Kiệt cũng đã có những lời nói đáng chú ý, chỉ tiếc rằng lúc ấy ông không còn quyền lực gì cả, không biết bây giờ ông có “quyền uy” (như ông định nghĩa) khi rời bộ máy chính trị đảng?

Thưa ông Nguyễn Tấn Dũng, Nông Đức Mạnh, Nguyễn Minh Triết…Hiện các ông đang có quyền lực và cũng đang xây dựng cho chính mình cái “quyền uy” về sau, văn hoá Việt Nam với triết lý cộng sản đã không giúp các ông khiêm nhường quỳ xuống xin lỗi đồng bào Việt Nam như thủ tướng Úc đã làm trong mấy ngày qua, mặc dù các ông sẽ trở nên trò hề nếu các ông phủ nhận đảng cộng sản không có tội với nhân dân Việt Nam, nhưng người dân Việt không đòi các ông phải xin lỗi, họ chỉ đòi được quyền sống, quyền làm người bình thường, cũng đơn giản như bất cứ các con vật nào cũng được quyền làm thú vật.

Trong lúc này, người dân Việt Nam chưa đòi các ông xin lỗi, họ chỉ cần các ông đừng phạm lỗi thêm nữa. Tôi cảm ơn các ông đã trả tự do cho nhà văn Trần Khải Thanh Thuỷ, một phụ nữ yếu đuối bệnh hoạn, chị bị kết án 9 tháng 10 ngày. Một người bị kết tội phá rối trật tự công cộng mà khi rời nhà tù lại có phó giám đốc sở công an Hà Nội với những tiền hô hậu ủng của hội phụ nữ, tổ trưởng khu phố, công an quận và những đoàn quay film đến để mở rượu chúc mừng chị được tự do, khi ra về họ cũng không quên để lại phong bì …Tôi không muốn hạ nhục bất cứ ai, hơn thế, thiết nghĩ cần dành cho các ông một sĩ diện nhất định của các vị có quyền uy và quyền lực, tôi nhìn vấn đề này với một hướng tích cực, món quà các ông để lại nhà của nữ văn sĩ Trần Khải Thanh Thuỷ không phải để xin lỗi, món quà này chỉ chứng tỏ lòng hiếu hoà của các ông, của phong tục Việt Nam “dĩ hoà vi quý”. Tôi tha thiết lòng hiếu hoà này sẽ được lan rộng hơn.


Thưa ông Nguyễn Tấn Dũng, Nông Đức Mạnh, Nguyễn Minh Triết… Ngày quốc tế phụ nữ 8-3 đã gần kề, ngày mà liên hiệp quốc chính thức vinh danh người phụ nữ, tôi tha thiết mong các ông hãy lợi dụng ngày này để hoán chuyển nỗi xúc động của thế giới từ bất lợi trở nên hữu dụng đối với Việt Nam. Hãy thả luật sư Lê Thị Công Nhân vô điều kiện vào ngày 8-3 để thế giới nhìn vào nhà nước Việt Nam có thiện cảm thay vì khinh bỉ là kém văn hoá, là không biết tôn trọng phụ nữ… Hãy thả luật sư Lê Thị Công Nhân, một cô gái hiếm hoi mà Việt Nam có được, cô đang trong tuổi thanh xuân, một lứa tuổi hầu hết chỉ biết phấn son, trang điểm cho bản thân, cô Lê Thị Công Nhân không những có một ngoại tâm xinh đẹp, nói năng nhỏ nhẹ, dễ mến mà còn có một nội tâm thăm thẳm, hầu như không thấy ở những thiếu nữ bình thường khác, cô chỉ quan tâm về tương lai dân tộc mà các ông bỏ tù cô ấy khiến cả thế giới phải xúc động, một nỗi xúc động bất lợi cho toàn dân Việt Nam!

Để chấm hết, tôi xin trích lời thủ tướng Úc Kevin Rudd:

"Let's use the unity of today, a sense of power that comes from so many Australians wanting to be part of it to move forward together."

Hãy dùng sự đoàn kết hôm nay, cảm nhận được sức mạnh đến từ rất nhiều người Úc, họ đang mong muốn trở nên những nhân tố (kết đoàn) ấy để cùng nhau tiến bước.

Lòng người Việt Nam và Việt kiều đã thật sự hoà giải, họ cùng nhau muốn bảo vệ lãnh thổ và lãnh hải. Tôi xin mượn lời thủ tướng Úc, ước mong đảng CSVN biết chân thành rằng: Hãy dùng sự đoàn kết hôm nay, cảm nhận được sức mạnh đến từ rất nhiều Việt kiều và thanh niên Việt Nam, họ đang mong muốn trở nên những nhân tố cùng nhau chống ngoại xâm phương bắc.


Việt kiều và thanh niên Việt Nam Biểu tình chống Trung Quốc xâm lược...

Nhiều đảng viên cộng sản đã biết đặt tổ quốc lên trên quyền lợi đảng, người dân Việt Nam và Việt kiều khắp năm châu đã thật sự hoà giải, tiếc rằng họ vẫn chưa đoàn kết bởi đảng CSVN không thể là mấu chốt, là niềm tin cho tất cả cùng hướng về một mối. Điều 4 hiến pháp đã là một chướng ngại để đòan kết dân tộc, đảng CSVN đã không thể đoàn kết dân tộc khiến cho tổ quốc(1) Việt Nam vẫn còn chia rẽ. Viết đến đây tôi nhận ra một nghịch lý khiến tôi nửa cười nửa khóc: Những kẻ tự nhận là lãnh đạo nhân dân Việt Nam không thể đoàn kết người Việt trong và ngoài nước, trái lại, kẻ xâm lược, đảng cộng sản Trung Quốc đã làm người Việt Nam trong nước và khắp năm châu bốn bể đoàn kết thương yêu nhau hơn trước!

Chính sách nước Úc da trắng, chính sách đồng hóa thổ dân của những chính quyền Úc trước đây không hoàn toàn là chính sách của đảng Lao Động hiện nay, ông Kevin Rudd đã đại diện cho tổ quốc (Úc) để xin lỗi người Úc thổ dân, lời xin lỗi quả nhiên không khó mà đã chinh phục được biết bao tấm lòng sắt son, thiết tha với đất nước Úc, hãnh diện vì nòi giống Aussie (2) trong đấy có tác giả bài viết này. Thiết nghĩ, bất cứ một chính quyền nào nắm vận mệnh đất nước Việt Nam cần thiết xem đây là bài học quý giá để hoà giải dân tộc, chính quyền nào không thể hoà giải dân tộc, để đoàn kết dân tộc thì chính quyền ấy không xứng đáng, sẽ bị đào thải.


Trong điều kiện thông tin toàn cầu và kinh tế hội nhập, đảng CSVN đang bế tắc trong lý luận, những não trạng hủ cựu không thể học gương Kevin Rudd vì mở miệng bị mắc quai, bên cạnh đấy, rất nhiều đảng viên cộng sản khác đã nhận thấy sự bất chính của điều 4 hiến pháp nhưng quyền lợi cá nhân và nỗi lo sợ bị đảng khai trừ nên dùng lối tự vệ của loài sâu bi, con cuốn chiếu, của con Cù Lần... Họ rất thụ động, không biết nghĩ đến việc tranh thủ sự ủng hộ của các đảng viên cấp địa phương, không nghĩ đến việc tranh thủ hậu thuẫn của nhân dân, họ không nghĩ ra một phương thức có lợi đôi bên “win-win” (cho chính họ và tổ quốc) như nhừng đảng viên cộng sản đông âu, như Boris Yelsin...và cuối cùng để tiến đến lời xin lỗi nhân dân, để đắc nhân tâm như Kevin Rudd, để đươc nhân dân trao cho quyền hạn thật sự lèo lái đất nước.

Kevin Rudd thủ tướng Úc cũng đã chuẩn bị rất lâu mới có những ngày qua mặc dù Úc là nước dân chủ, bước ngoặc lịch sử ấy tuy khó sẩy đến Việt Nam, những người trong đảng cộng sản đang có ưu thế hãy xem đấy là bài học cho chính tương lai mình. Hoà Giải là chìa khoá để dân tộc đoàn kết, ai chiếm được bộ chìa khoá này thì lịch sử sẽ ghi công muôn đời.


(1) Theo ý của tác giả: Tổ quốc là một yếu tố tâm lý, trừu tượng. Tổ quốc không giới hạn trong phạm vi biên giới, không giới hạn trong dân số của đất nước ấy mà bao trùm cả những người hải ngoại có quốc tịch khác nhưng cùng hướng lòng về cho một lợi ích chung của dân tộc ấy.
(2) Aussie, tiếng lóng ám chỉ người Úc, nó tiềm ẩn một sự tự hào, hãnh diện, nhân ái, chất phát... của người Úc. Aussie Aussie Aussie... go go go. Lời cổ động các cầu thủ Australia.

2 comments:

  1. Cảm ơn anh Phùng Mai đã cho tôi thấy nghĩa cử tốt đẹp của chính phủ Úc đối với thổ dân Úc khi họ nhận thức sự sai lầm trước đây.
    Riêng đảng CSVN thì trái lại, họ lệ thuộc mạch sống của đảng CS từ nhà nước Trung cộng và không ý thức được sự đoàn kết dân tộc cũng như quyền làm người của nhân loại.
    Bài này của anh là một đòn thức tỉnh cho những kẻ ngu muội có tính ích kỷ và thiếu lương tâm đối xử giữa con người với con người.

    ReplyDelete
  2. Cảm ơn bạn đã đọc
    Phùng Mai

    ReplyDelete