Xin Cầu Nguyện Cho Tôi




Nhân đọc bút ký Tôi Phải Sống của LM Nguyễn Hữu Lễ.
Tôi gởi đến LM Lễ từ lâu, cũng mong gởi đến bạn đọc ĐCV để san sẻ vui buồn mà cá nhân tôi cảm thấy thế. Chỉ mong bạn đọc chia sẻ với cá nhân tôi, đừng vì bài viết này mà ta luận bàn về những giá trị đạo đức của một vị tu sĩ. Thiển nghĩ, hồi ký chẳng có giá trị nếu nó cố tình ém nhẹm một sự thật.

Thưa cha. Đã từ lâu con biết cha qua nhiều báo Việt ngữ. Là một linh mục công giáo, là một tù nhân cộng sản, là tác giả một cuốn hồi ký nhức nhối đối với Cộng sản Việt Nam, và là người tỵ nạn cộng sản. Con tin chắc có rất nhiều người qúy mến cha, đặc biệt là người công giáo trong đó có "đứa con hoang đàng"(1) này.

Trong xã hội ai cũng bị chi phối bởi chính trị của quốc gia mình đang sống, của đất nước đã cưu mang mình (VN nếu là người Việt) và sự biến chuyển chính trị, kinh tế của toàn cầu. Là người có trách nhiệm trước một tập thể như các linh mục, mục sư, thượng toạ,...thiết nghĩ nếu không hoạt động chính trị thì cũng cần có một lập trường chính trị phù hợp với tập thể ấy, để hướng dẫn và gíup đỡ họ trong khi họ cần thiết giải tỏa những bất bình đối với xã hội và khúc mắc trong tâm linh. Là tín đồ, ngoài đời sống đức tin, họ còn có đời sống chính trị văn hoá và xã hội. Một vị linh mục khác nói với con rằng: "Cha Lễ đã đi qúa giới hạn của một linh mục". Con tự hỏi, phải chăng đi tu là dâng mình cho chúa, là đoạn tuyệt với đời, ngay cả một thái độ chính trị cũng không thể có được sao? Con liên tưởng đến một trường hợp khác muốn trình bầy cùng cha và các bạn đọc để chia sẻ nỗi băn khoăn của một người công giáo giáo như con.

Vào cuối năm 2003, đài truyền hình SBS do chính phủ Úc tài trợ. Họ cho phát sóng chương trình thời sự của VTV4 khiến cộng đồng người Việt tự do Úc Châu (CĐNVTDUC) phẫn nộ, cùng thời gian ấy, một người bạn của con than phiền rằng: Anh nhận được thư trao tận tay từ cha quản nhiệm mời anh đi họp hội đồng giáo xứ, anh rất nể nang nên cố gắng đi họp sớm để có thời gian đi biểu tình với đồng bào ở Melbourne ngày 29-11-2003. Khi anh đến, cha hỏi sao đi sớm thế, anh chưa kịp trả lời, cha nói tiếp một cách bất bình: "Mấy người khác không chịu đi họp giáo xứ mà lại đi biểu tình hết rồi" (2).Như một gáo nước lạnh tạt vào mặt, vì sự nể nang nên anh âm thầm kềm chế không biểu lộ sự bất bình. Con thiển nghĩ, vị chủ chăn ấy không hiểu con chiên non của mình đang bị bịnh, muốn ăn bắp bú sữa thay vì xưa nay chỉ ăn cỏ khô! Con hy vọng danh từ linh mục đúng nghĩa là người mục đồng chất phát, sẵn sàng dìu dắt các linh hồn, và linh hồn là thực thể thiêng liêng của phần xác. Chúa gọi con cái chúa là "Con chiên của ta", đấy chỉ là một lối nói của thời xưa ám chỉ sự quan tâm của mục đồng đến đàn trừu, chúa không hề ngụ ý rằng chúng sớm muộn gì cũng sẽ bị ăn thịt!

Thưa cha, Trong nhiều dịp đi thăm bạn bè, tiệc tùng, con được nghe vài người lớn tuổi khác cùng tâm trạng với con, thoạt đầu cảm thấy mình như "đứa con lầm lạc (1)" tuy nhiên không những không tìm thấy lối về mà càng ngày lạc càng xa! Họ tự hỏi. Người công giáo không lẽ chỉ đi lễ hằng tuần, nghe cha giảng, đọc kinh, rồi góp tiền vào nhà thờ để xây cất trung tâm, để rồi hằng tuần phải đến trung tâm đi lễ và tiếp tục góp tiền bảo trì trung tâm để có nơi đi lễ! Thôi thì ..."Chúa ở khắp mọi nơi"... và họ ở nhà đọc kinh không cần đi lễ.

Đã nhiều lần con đọc thư của Linh mục Nguyễn Văn Lý, Linh mục Nguyễn Hữu Giải, Linh mục Phan Văn Lợi, của Toà Giám Mục Phan Thiết, Đức Cha Nicolas Huỳnh Văn Nghi, ngay cả những người khác giáo hội như Mục sư Nguyễn Hồng Quang, Mục sư Bùi Văn Ba. Sau tất cả mọi lời kêu cứu thiết tha, các ngài đã khẩn khoản rằng: "Xin mọi người cầu nguyện cho tôi"
Thưa cha, câu nói này đã trở nên vô nghĩa trước sự thờ ơ của các cộng đoàn công giáo ở hải ngoại. Đi lễ nhiều, con chỉ thấy làm lễ cầu nguyện cho những người đã chết, có những người đã chết hằng chục năm mà vẫn còn được nhớ tới để cầu nguyện, trong khi những người đang sống, đã thất thanh, khan cổ van nài lời nguyện cầu, nhưng sao lời nguyện cầu của người công giáo hiếm hoi đắt đỏ đến thế. Bản thân con là một giáo dân, ngay cả trong những lúc thập tử nhất sinh trên biển cả, con chưa bao giờ lên tiếng kêu nài bất cứ ai "cầu nguyện cho tôi" . Chính vì thế, con thiết nghĩ câu nói "Xin mọi người cầu nguyện cho tôi" phải là một lời nói thống thiết của những con chiên đang bị sói rừng bủa vây, chúng phải kêu gọi chủ chăn cứu chữa vì tất cả các chiên con, chiên mẹ đều bất lực trước nanh vuốt của bầy dã thú.

Con không hy vọng các vị chủ chăn là cứu cánh duy nhất cho tự do tôn giáo Việt Nam, nhưng con tin rằng, đức tin người công giáo sẽ phai mờ, đạo lý người Việt sẽ băng hoại vì xã hội vật chất sống vội, chết vội. Nỗ lực của người công giáo Việt Nam dành cho giáo hội sẽ sớm mệt mỏi nếu giáo hội không đáp ứng được nhu cầu tâm lý của giáo dân, không cho họ những món ăn tinh thần cần thiết khác hơn là nghe giảng, đọc kinh và cầu nguyện. Nếu trong những thánh lễ chúa nhật, các vị chủ chăn dành 3 phút với giáo dân, để cầu nguyện cho những người đang đói khát lời nguyện cầu từ nơi địa ngục trần gian do cộng sản tạo ra trên đất nước Việt. Điều ấy ngoài khả năng của con, nhiều khi con nghĩ mà cảm thấy vô duyên nếu con ngỏ ý với một linh mục xin lễ cầu nguyện cho cha Nguyễn Văn Lý, Mục sư Nguyễn Hồng Quang và các Hoà thượng chỉ vì lòng con muốn đáp lại lời kêu khẩn khoản của các ngài. Con lại càng cảm thấy báng đạo nếu bỏ tiền xin lễ cầu nguyện cho nước Việt Nam, cho dân tộc Việt Nam được tự do tín ngưỡng. Nhưng lời cầu nguyện của riêng cá nhân con chắc chắn quá ít ỏi. Khi con thấy hàng trăm ngọn nến thắp lên để cầu nguyện cho tự do tôn giáo Việt Nam do Giáo hội Phật giáo tổ chức, khiến con muốn trở thành phật tử để có thể bước vào chung lời nguyện cầu cùng họ. Con thấy rằng những tổ chức nhân quyền và dân chủ cho Việt Nam, họ làm việc bác ái nhiều hơn các cộng đồng công giáo chúng ta, họ quan tâm đến Giáo hội Việt Nam và các linh mục Việt Nam đang đấu tranh cho tự do tín ngưỡng ở quê nhà.

Thưa cha, tác phẩm Tôi Phải Sống là bằng chứng hiển nhiên cho sự nguyện cầu triền miên của cha dành cho đất nước và dân tộc Việt Nam, nó cũng là lời mời gọi nhiều người khác cùng cầu nguyện với cha, con ước mong tất cả các vị chủ chăn khác nhận thấy lời nguyện cầu cấp thiết nhất cần được dành cho những ngươi còn sống, cầu nguyện cho những người đang chịu đau khổ vì danh chúa trong ngục tù cộng sản chính là món ăn rất cần thiết cho tâm hồn những người công giáo để phục hồi đức tin công giáo. Đức giáo hoàng John Paul đã cầu nguyện cho nước Balan, tại sao ta không cầu nguyện cho dân tộc Việt Nam đặc biệt là những người lãnh đạo các tôn giáo ở quê nhà.

Xin thành thật cảm ơn cha và các bạn. Xin cho con được dùng nơi đây và lời phát biểu này làm lời cầu nguyện dành cho Linh mục Lý, Linh mục Giải và Lợi, Mục sư Quang, Mục sư Bùi Văn Ba, Hoà thượng Thích Quảng Độ, Thích Huyền Quang, và Thầy Tuệ Sỹ,v.v... được mạnh khỏe, đặc biệt cho dân tộc Việt Nam và các giáo hội Việt Nam thoát khỏi hiểm nguy do bầy lang sói đang bủa vây khắp bờ cõi nước nhà. Lạy chúa. "Nguyện cho lời con tha thiết nguyện cầu. Tựa làn hương thơm bay lên thiên nhan. Đôi lời thành kính dâng lên trời cao. Tựa như của lễ hiến dâng trong chiều..."
===========================================================================
(1) Câu chuyện 2 người con phú hộ, người em đòi chia gia tài, sau khi phung phí tiền của, muốn trở về nhà với cha mẹ mà không dám về....
(2) 11/2003 hơn 4,000 người ở Melbourne, 12/2003 hơn 10,000 ở Sydney phản đối SBS phát sóng VTV4 lu'c 6:30am-7:30am

No comments:

Post a Comment