Lòng Yêu Nước Của Hồ Chí Minh?


Xem lời bàn của độc giả DCVOnline

Trước tiên xin cảm ơn tác giả Minh Võ đã giúp tôi tái xác nhận những điều ông Bùi Tín đã nói với các bạn trẻ qua RFA mà tôi không nhớ ngày phát thanh, ông Bùi Tín phát biểu: “… có thể nói rằng ông Hồ là người yêu nước, nhưng yêu nước theo kiểu riêng của ông, theo sự hiểu biết và niềm tin của ông. (...)”

Thưa tác giả Minh Võ và Bùi Tín. Với khối kiến thức khổng lồ của hai vị tôi rất do dự, trằn trọc mãi, hôm nay liều lĩnh và cũng xin lòng đại xá của 2 vị cùng độc giả Đàn Chim Việt để trình bầy vài điều. (1)

Tác giả Minh Võ cho rằng: “Có thể ông (Bùi Tín) cũng suy tính, trong khi đa số dân còn tôn thờ ông Hồ, trong khi tất cả nhân viên chính quyền, và một số lớn sử gia ngoại quốc, kể cả một vài người thuộc chế độ miền Nam trước còn viết rằng ông Hồ là người yêu nước, nếu mình nói ngược hoàn toàn trong lúc này, chẳng ai thèm nghe…”

Tôi cho rằng giả thuyết ấy của tác giả Minh Võ không đúng. Khi ông Bùi Tín viết cuốn hồi ký Mặt Thật, ông đã tái xác nhận ông Hồ là người “có công đầu” với đất nước. Trong phần giới thiệu ông xác nhận: “ Viết theo điều mình nghĩ, bằng cái đầu "lạnh" của chính mình” Thưa, chỉ căn cứ vào đấy thì vẫn chưa đủ, phải kể đến tâm lý con người khó có thể phủ nhận những điều mình đã tin và làm trong nhiều năm, niềm tin ấy nó trở thành một phần của cá nhân ấy, so sánh với thể lý tựa như đầu, mình, chân, tay, tai mắt… Dứt bỏ nó là “trải qua cuộc lột xác” (lời Trần Độ), nó đau đớn lắm đến nỗi không thể làm được, tuy nỗi đau tâm lý có khác thể lý, nhưng cường độ tác động để tạo nên kết quả giống nhau, nhẹ là tàn tật (thể lý) hay sự xấu hổ phỉ báng mình hoặc điên (tâm lý), nặng nhất là sự chết. [vì thể xác đau đến chết hay tự kết liễu đời mình vì lý do tâm lý(2)]. Thiển nghĩ không cần dẫn chứng những sự chết vì tâm lý hay niềm tin ở đây. Vì thế cho đến ngày nay, dù là thành viên của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên với tiêu chí bất bạo động, Hòa Giải và Hòa Hợp Dân Tộc, ông Bùi Tín vẫn nhìn nhận bạo lực CS là một điều tất yếu để giành độc lập và thống nhất đất nước. Kính mong tác giả Minh Võ, Bùi Tín và qúy độc giả cho tôi được trình bầy như sau (3):


Thưa ông Bùi Tín.

Lần đầu gởi đến ông vài lời về cuốn hồi ký “Mặt Thật”. Tôi do dự lắm vì tin rằng đây không phải là lần đầu tiên độc giả gởi đến ông những suy nghĩ tương tự này. Một cuốn sách mấy trăm trang mà tôi trích đoạn ngắn thì thế nào cũng tỏ ra bất kính với một người như ông, tuy nhiên, đấy chỉ là lòng quý mến và cảm súc đáng tiếc cho một cuốn sách rất giá trị cho hậu thế, tôi viết vài dòng chia sẻ cùng bạn đọc nhân dịp Thông Luận đăng cuốn sách của ông từng phần một.

Trong phần giới thiệu ông xác nhận: “Người viết vẫn cố giữ thái độ tỉnh táo, bình tĩnh, có trách nhiệm. Viết theo điều mình nghĩ, bằng cái đầu "lạnh" của chính mình”

Tôi đọc hầu hết các bài ông viết, nghe ông nói qua internet. Tôi tin ông nói theo cái đầu “lạnh” nên tôi suy nghĩ nhiều lắm, cho dù theo như ông “…Nội dung cuốn sách có mang tính chất sám hối” .

Trong kỳ 5 trên Thông Luận, ông viết về Hồ Chí Minh http://www.thongluan.org/vn/modules.php?name=News&file=article&sid=804
[…] “Công lao của ông (HCM) trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, giành độc lập cho đất nước là rõ ràng. Khó ai có thể bác bỏ hay phủ nhận được. Ông từng bị tù, bị truy nã, ông từng hy sinh tận tụy cho sự nghiệp ấy. Ông có nếp sống giản dị dù là Chủ tịch nước, ông không hề giành cho ông những đặc lợi. Ông đã góp phần quan trọng, có thể nói là công đầu để nước Việt nam độc lập được sự tôn trọng của thế giới. (Có người sẽ cãi lại là độc lập gì? Chỉ là tay sai cho Nga xô và Trung Cộng! Đó là một ý kiến cần chú ý, nhưng theo tôi không thể vì thế mà phủ nhận nền độc lập của nước ta được).” […]

Thưa ông Bùi Tín. Trong lúc miền bắc nghèo túng, quân đội bắc việt phải hết sức tiết kiệm vật chất tiền của dành cho tiền tuyến để “giải phóng miền nam” để đạt mục tiêu ước vọng của ông Hồ, thì vấn đề ông Hồ hy sinh vật chất cá nhân, sống giản dị và tận tụy cho sự nghiệp ấy là điều dễ hiểu, ví như một nhà triệu phú đã trải qua những năm tháng dài nghèo túng phải bán ve chai! Điều cần suy luận là rất nhiều chai đẹp bị vất bừa bãi khinh thường vì ông ve chai ngày ấy có rất nhiều chai lọ! Ông Hồ đã thâu tóm được nhiều trai hùng gái đẹp, một tài sản vô giá của dân tộc để phung phí, đặc biệt là phụ nữ ông dùng qua rồi cho đàn em dùng, khi không cần nữa thì thủ tiêu! (Đêm Giữa Ban Ngày V.T.H) Đấy là những “đặc quyền đặc lợi” có thể chiếm đoạt thời bấy giờ mà ông Hồ dành cho mình. Thiết nghĩ không cần nói thêm những “đặc quyền đặc lợi” tương tự khác ông Hồ đã phung phí. Chỉ tiếc rằng ông Hồ đã chết trước khi đạt ước mơ, không như ông triệu phú ve chai, vì thế.

Ta cũng nên đặt một giả sử, nếu ông Hồ còn sống đến ngày nay, ông có giản dị dù là vẻ bề ngoài? Thiển nghĩ những người đứng đầu đảng CSVN hiện nay ngạo mạn ra sao thì ông Hồ chẳng lẽ ngoại lệ? Đi ngược lại thời gian, những người lãnh đạo ĐCSVN họ đã tận tụy cho sự nghiệp và sống giản dị cũng như ông Hồ thời ấy rất nhiều, tại sao Bùi Tín không dành cho những người đã sống giản dị Lê Đức Anh, Đỗ Mười … lòng ưu ái trân trọng đấy?

Phải chăng không có HCM và bạo lực CS thì VN không hề có độc lập? Tôi không đặt vấn đề trở lại với chữ “nếu” , vấn đề đặt ra là thời nay (năm 1993 cuốn hồi ký Mặt Thật ra đời và trên Thông Luận 2006) ông sống trong hòa bình, trên một đất nước văn minh, thành phố tráng lệ Paris, ông lên tiếng xác nhận công lao giành độc lập của HCM và giải phóng miền nam bằng bạo lực, một cách khác, ông đã phủ nhận nền độc lập ở miền nam VN. Thế hệ trẻ chúng tôi nhận thấy bạo lực không cần thiết trong lúc ấy, chẳng cần thiết chiến thắng Điện Biên Phủ. Lại càng không cần thiết về sau này mà họ gọi là “giải phóng miền nam”. Phải chăng vì ông đã ở trong hàng ngũ Việt Minh và CS nên ông chưa thể lên án quá khứ hiển hách của mình?

Thưa nhà báo Bùi Tín, Minh Võ và các bạn đọc, tôi chỉ có thể chấp nhận và rất thông cảm nỗi đau “lột xác” ấy, mặc dù tôi không thể ép buộc bất cứ ai phải lột xác, điều ấy hoàn toàn tự nguyện.

Ông viết tiếp […]Ông (HCM) chỉ có ưu điểm là trong chỉ đạo chiến tranh cùng với một số người lãnh đạo khác trong đảng không mù quáng theo lời khuyên của Mao là chỉ nên tiến hành chiến tranh du kích ở miền Nam và cũng không theo sức ép của Liên xô là phải ngừng chiến tranh để tìm một giải pháp thương lượng nhằm chung sống hòa bình bằng mọi giá. […]

Tôi đọc đi đọc lại đoạn trên tự hỏi mình có hiểu lầm lời ông viết. Ông cho rằng ưu điểm của HCM và những người lãnh đạo CS là Không mù quáng chỉ đánh du kích ở miền nam, cũng như ngừng chiến tranh để tìm một giải pháp thương lượng… Thiển nghĩ đấy là một khuyết điểm lớn. Trong thời đại ngày nay “…thái độ tỉnh táo, bình tĩnh, có trách nhiệm…” sao ông vẫn đề cao bạo lực CS, thế thì có gì gọi là “sám hối” như ông tự nhận? Thiết nghĩ, sám hối là hối tiếc việc đã sẩy ra: Giá như đừng như thế, nhưng chuyện lỡ đã như thế thì cần phỉ báng nó và chính mình vì đã lầm lỡ! Những lời ông viết rất rõ nghĩa và không hề có ý “sám hối” . Tôi nhận thấy đoạn viết trên như là “con sâu làm rầu nồi canh”! trong tập hồi ký đáng quý hằng trăm trang.

Qua tác giả Minh Võ dẫn chứng ở trên và khi ngỏ lời cùng các bạn trẻ qua đài Á Châu Tự Do (RFA, tôi không nhớ rõ ngày phát thanh) Ông Bùi Tín cho rằng HCM là một người yêu tổ quốc. Tôi lục lọi trí tưởng tượng để tìm sự đồng thuận cùng ông. Có thể ví như những án mạng sẩy ra qua một chuyện tình. Đôi fiancé nọ đã yêu nhau, chàng cương quyết đi du học để thành tài cho bản thân và cho tương lai gia đình về sau, khi đỗ đạt thành tài trở về, anh khám phá ra rằng người bạn thân của anh đã giúp đỡ cô gái trong những năm dài nàng cô đơn bệnh hoạn, anh nổi cơn ghen quyết định giết kẻ tình địch, cô gái vì thế mang bệnh tương tư héo mòn, anh quyết định giết luôn cô gái ấy, vì “yêu” nàng nên anh phải giết nàng để nàng ở mãi trong lòng anh, cô sẽ không thuộc về ai nữa!

Thưa ông Bùi Tín. Có thể nào giải thích chàng thanh niên kia đã yêu nàng chân chính để mà phải hạ sát tình địch, giết cả người yêu? có cách nào giải thích Hồ Chí Minh vì yêu tổ quốc mà phải triệt hạ cụ Phan Bội Châu, Nguyễn Thái Học và bần cùng hóa người dân miền bắc?!!! Nếu ông muốn nói rằng HCM là người yêu tổ quốc theo cách riêng của ông ta như thế, thì cũng không thể dùng chữ “yêu” mà phải lên án đấy là một hành vi của bản tính vị kỷ, một người bị chứng tâm thần, mất hết lý trí, bị lôi cuốn bởi những tiểu đoạn tiêu cực trong tiểu thuyết giết tình địch và người yêu. Cụ thể là bị thôi miên bởi những phù thủy Mác, Lênin và Stalin. Phải nói rằng, trong những con người ấy họ không có tình yêu mà chỉ có óc vị kỷ, bây giờ họ vẫn thế. Ông Hà Sĩ Phu chí lý khi mời đối rằng: “Trời đã sang CANH đừng vị KỶ” nhân dịp xuân Kỷ Mão-Canh Thìn 2000. Thiết nghĩ, người CS là vị kỷ, tất cả những biểu hiện tích cực chỉ là giai đoạn để lừa phỉnh, những người trong đảng CS mà còn chút lương tri thì họ là người đã biến chất trở nên những kẻ “phản động cấp tiến” chống lại những kẻ trung thành cấp thối… (nát!)

Họ Hồ và những người lãnh đạo bắc việt không phục tùng Mao và Liên xô như họ Kim và những người lãnh đạo bắc Hàn. Họ không tiến quân đánh phá miền nam của họ mà lại chung sống hòa bình. Trái lại, họ Hồ và những người lãnh đạo CS trong đó có cả Đại Tá Bùi Tín đã vào nam với hỏa lực tối tân, với lý tưởng CS, với tiến quân ca… để giải phóng miền nam, để rồi cả nam và bắc nghèo nàn giống nhau, không như Triều Tiên để cho một nửa kia giàu có. Nam Hàn! (xin lỗi ông những lời đầy xúc động nầy)

Có thể ông đã đặt nặng sự thống nhất Việt Nam về chính trị hơn là kinh tế và lòng người dân. Ông biết rõ cải cách ruộng đất, nhân văn giai phẩm, xét lại chống đảng… ông phải chấp nhận “nói những điều mình không nghĩ và nghĩ những điều không dám nói”. Nhưng chuyện ấy đã qua rồi… Ngày nay, qua hồi ký Mặt Thật của ông, một cách khác ông nhìn nhận hằng triệu sinh linh thanh niên nam bắc là xứng đáng cho cái giá phải trả, để có sự thống nhất chính trị và độc lập như ý những người CS?

Thưa ông Bùi Tín. Phải chăng vì những “ưu điểm” của HCM nên ông đã xông pha với bom đạn để giải phóng miền nam. Đến bây giờ ông vẫn bảo vệ lập trường bạo động ấy, mặc dù ông là thành viên của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên với cương lĩnh bất bạo động, hòa giải và hòa hợp dân tộc. Ông vui lòng cho tôi cùng độc giả hiểu rõ điều này trong một bài viết khác hay có thể giải tỏa khúc mắc riêng tư của tôi qua email phungmai871@yahoo.com.au ?

Nhà văn Dương Thu Hương cho rằng Bà bị lừa trong cuộc chiến chống Mỹ cứu nước, còn cuộc chiến chống Pháp là chính nghĩa nên đã gây nhiều tranh luận. Tôi không phủ nhận cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân VN, trái lại, Nguyễn Thái Học, Phan Bội Châu là bằng chứng hiển nhiên cho cuộc kháng chiến chống Pháp đầy chính nghĩa của dân tộc ta. Thiển nghĩ. Một nhà báo nổi tiếng thời nay vẫn đề cao cuộc chiến giành độc lập và thống nhất đất nước bằng bạo lực thì chỉ là tô điểm cho huyền thoại HCM, người mà chính ông đã chỉ ra mọi thứ tiêu cực ở nhiều tác phẩm và bài viết của ông. Phải chăng có điều gì mâu thuẫn trong ông? Điều ấy cũng giải thích tại sao ĐCSVN hiện nay, mặc dù vô lý, sáo rỗng, họ vẫn không vượt qua được chính mình, họ vẫn phải nói những điều họ không nghĩ, “Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng HCM” và nghĩ những điều họ không dám nói ra: “kinh tế thị trường theo định hướng XCHN”. Dương Thu Hương gọi đấy là sự “làm tình với xác chết” để mà tồn tại! Một phụ nữ đã đủ sức vượt qua chính bà, phủ nhận chính nghĩa cuộc chiến chống Mỹ bà đã tham dự, thì một nhà bình luận, một nhân chứng lịch sử Bùi Tín cần vượt qua cái ám ảnh quá khứ lỗi lạc của chính mình lắm chứ?

Thưa ông. Thế hệ trẻ chúng tôi, đặc biệt ở hải ngoại, khi tìm hiểu về lịch sử VN cận đại, tôi viết bài này cũng với cái đầu “lạnh” của tôi vì mong muốn sự thật và mong muốn nhìn thấy chính nghĩa, mong ông thứ lỗi nếu có làm ông buồn. Thú thật tôi buồn và xót xa lắm, viết bài này không ngoài sự qúy mến ông và tác phẩm Mặt Thật.

http://tudovis.com/kktd/su_that_lich_su/hcm_long_yeu_nuoc_cua_hcm__.htm
http://www.vietmedia.com/news/?L=grabstory.html&Cat=Vietnam&ID=10402
http://tiengnoitudodanchu.net/vn/modules.php?name=News&file=article&sid=1531

(1) Tôi đã gởi đến ông Bùi Tín qua Thông Luận, có lẽ vì bận nên chưa trả lời tôi. Ngày 12/6/2006 ĐCV đăng bài Tin Tặc và Sự Thật của Minh Võ. Tôi cảm thấy nguôi ngoai rất nhiều dù rằng chỉ một lời ngắn của ông Bùi Tín được Minh Võ trích ra từ phần diễn đàn bạn đọc ĐCV: “ ''yêu nước '' như thế thì tệ hại gấp triệu lần thà như không yêu nước !. Trên thực tế, đây là Tội Ác viết hoa, là tội ác nhân lên triệu triệu lần.” Dù cho ông Bùi Tín đã suy nghĩ bằng cái đầu “lạnh” của ông hay vì phương pháp tâm lý như giả thuyết của Minh Võ giải thích, hoặc ông BT đã thay đổi quan niệm về chữ “yêu nước”, bất kể trường hợp nào, sự ấm ức từ lâu trong tôi hôm nay được giải tỏa. Phùng Mai Thành thật cảm ơn tác giả Minh Võ và Bùi Tín.

(2) Một ví dụ cụ thể về sự đau đớn tâm lý:
Dương Thu Hương
Vào lúc ấy họ rất vui sướng nhưng tôi lại thấy đau khổ. Năm 1975, chúng tôi là những người từ rừng về. Lúc đó tôi từ Quảng Bình vào. Chúng tôi là phe những người chiến thắng. Tâm trạng của những người chiến thắng lúc ấy là phải vui mừng chứ vì tôi cũng là đảng viên, nhưng lúc đó tôi lại cảm thấy đau khổ và tôi bắt đầu khóc. Nếu nói một cách bình thường thì tôi là người điên.

(3) Tôi phản đối tất cả những lời lẽ miệt thị cá nhân đối với ông BT. Tôi mong đợi sự tương kính nhưng không khúm núm, nhu nhược.

No comments:

Post a Comment