Trách nhiệm của chính phủ?

Thanh Quang, phóng viên RFA
2010-12-01
Tại kỳ họp Quốc Hội VN lần này, những vấn đề nóng từ Vinashin, bô-xít Tây Nguyên tới giá cả leo thang đã được nêu lên.

Xin bấm vào đây để nghe

 
Đặc biệt là qua cuộc giải trình của phía Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng không còn cách nào khác phải lên tiếng nhận trách nhiệm về vụ Vinashin làm ăn thua lỗ nghiêm trọng; và ông cam kết là việc báo cáo kết quả, kiểm điểm liên hệ sẽ nghiêm túc, đúng quy trình của Đảng, Nhà nước và công khai.
Câu hỏi được nêu lên là việc kiểm điểm đó diễn ra “nghiêm túc” như thế nào, sự việc sẽ được “công khai” tới đâu? Rồi sau cùng có ai, một cách cụ thể, sai phạm gì không, sai tới đâu? Có bị kỷ luật cụ thể không – nhất là người đứng đầu chính phủ? Có lẽ đó là những điều mà người dân đang mong chờ.



Thủ tướng đơn độc
Blog Phạm Viết Đào có bài tựa đề “TT Nguyễn Tấn Dũng đơn độc trong vụ Vinashin: Do ông hay do cơ chế”, mô tả rằng:
“Trong lần chất vấn lần này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã không còn tự tin như mọi lần, ông đã tỏ ra nao núng ngay những phút đầu bằng một phản ứng theo kiểu năm ăn, năm thua…Đầu tóc ông gọn gàng, bồng bềnh nhưng giọng ông đã chớm run, đã chớm mệt, đã có lúc volum trong giọng nói của ông đã pha chút cà cuống,cà lăm trước những câu hỏi dồn và trước tình thế đơn thương, độc mã.”
Mặc dù Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lần này phải lên tiếng nhận trách nhiệm vụ Vinashin, nhưng các bộ trưởng liên quan xem chừng như né tránh. Nhiều blogger e rằng sau cùng rồi sự việc cũng chẳng đi tới đâu. Chẳng hạn như ý kiến của blogger Sự thật và Công lý sau đây:

"Qua tường thuật của báo chí trong nước về diễn biến cuộc họp Quốc Hội vừa rồi, trong đó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đứng ra nhận trách nhiện vụ Vinashin. Nhưng ông ấy nhận trách nhiệm như thế, theo tôi, chẳng giải quyết được vấn đề gì cả vì kiểu nhận trách nhiệm đó rất chung chung, không cụ thể.
Thậm chí khi nhận trách nhiệm, ông Dũng cũng không biết mình phạm lỗi cỡ nào và các vị bộ trưởng trong chính phủ, người nào phạm lỗi cỡ nào, ông Dũng cũng không xác định được trong thời điểm ông ta trả lời. Khác với những chính trị gia ở nước ngoài, một khi xảy ra sự việc gì gì đó, người ta nhận trách nhiệm của mình tới đâu, và người ta từ chức ngay lập tức nếu vấn đề trầm trọng. Còn ở VN thì không. 

Thậm chí có một đại biểu Quốc hội, ông Vũ Hoàng Hà, bức xúc nói rằng tất cả các bộ trưởng đều cho là mình không có trách nhiệm gì hết, mình không có lỗi gì cả. Như thế thì việc nhận trách nhiệm của Thủ tướng Dũng trong khi các vị trong chính phủ, người thì né trách nhiệm, người thì nhận mà nhận chung chung như thế thì vấn đề chẳng đi đến đâu cả. Phải có trách nhiệm cụ thể, xác định lỗi ở mức độ nào và những lỗi đó sẽ được giải quyết ra làm sao thì mới tìm ra hướng tới được."

Blogger Hà Văn Thịnh, qua bài tựa đề “Xem Thủ tướng trả lời Quốc hội” nhận xét rằng xem, nghe, nhìn, đọc về việc Thủ tướng đăng đàn trả lời trước Quốc hội, cuối cùng blogger này mới “ngộ ra rằng từng ấy thứ vẫn chưa đủ cho cái sự nghĩ”, vì, theo blogger Hà Văn thịnh, “nếu tin vào cái đúng của lẽ đời, cái cần có của một người biết thấu tình men lá rượu ngô trong(nói theo thơ Trần Đăng Tuấn), cái dũng khí của lòng tự trọng, thì 4 trang báo Tuổi trẻ mà tôi (tức blogger Hà Văn Thịnh)có trên tay nên rút gọn thành hai từ thôi: từ chức!” Blogger Hà Văn Thịnh giải thích, đại ý, rằng:
"Thủ tướng đã tự phủ định mình, khi cho rằng cái lỗi để cho ông Phạm Thanh Bình vừa là Chủ tịch HĐQT, vừa là Tổng giám đốc là có nguồn gốc từ thời ông Phan Văn Khải? Ông Khải sai là điều cần phải phê phán, nhưng cứ tiếp tục cái sai đó nhùng nhằng, dây dưa hết năm này sang năm khác thì là cớ làm sao?

Thủ tướng lại kiểm điểm không thành khẩn khi tự mâu thuẫn với chính mình bằng tuyên bố là người đứng đầu Chính phủ, tôi xin nhận trách nhiệm về những hạn chế yếu kém của chính phủ. Thủ tướng, Phó thủ tướng và các thành viên liên quan tiến hành kiểm điểm để làm rõ trách nhiệm”. Về mặt thực tiễn lịch sử, nói như thế gần như bằng…không! Xin nhận trách nhiệm xong, rồi kéo theo cả một đoàn thành viên liên quan” là bao nhiêu người không ai biết, thì đến bao giờ mới kiểm điểm xong?!
Trong khi đó, Thủ tướng đã bật đèn xanh cho sự xuê xoa, khi chính Đại biểu Vũ Hoàng Hà đã nói rằng các Bộ trưởng có liên quan trả lời trước Quốc hội không ai nhận thiếu sót, khuyết điểm.
Rồi sau khi có những tờ báo công kích quyết liệt các Đại biểu đã dám nói thẳng, nói thật trước Quốc hội, Thủ tướng đổ lỗi cho Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ về việc trên website của Chính phủ đã đăng tải các lời lẽ công kích thiếu trách nhiệm đó. Một lần nữa người dân không hiểu là ngay trong Chính phủ, Chủ nhiệm văn phòng cũng không biết Thủ tướng muốn gì?" 

Chiếc tàu đắm Vinashin
Theo Blogger Hà Văn Thịnh thì chưa có một đời Thủ tướng nào mà mọi chuyện bê bối xảy ra trầm trọng như nhiệm kỳ của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng…Nếu liệt kê ra tất cả những điều sai thì nhiều không kể xiết. Và Blogger Hà Văn Thịnh nghĩ rằng, với tư cách là 1 công dân VN, cách kiểm điểm nghiêm túc nhất là Thủ tướng và Bộ trưởng các bộ liên quan như tài chính, công thương, kế hoạch đầu tư nên từ chức. Có như thế,theo blogger này, niềm tin của người dân mới được vãn hồi, vì nếu tất cả mọi sai lầm khủng khiếp cuối cùng chỉ kết thúc ở kiểm điểm thì tương lai của đất nước sẽ đi về đâu?
Mới đây, GS Nguyễn Thanh Giang từ Hà Nội cũng lưu ý rằng “Vinashin đang trở thành đề tài nóng đến mức sôi sục, là cái ung nhọt kinh tế rất lớn. Những thiệt hại do Vinashin gây ra làm cả xã hội xót xa, đau đớn”. Nhưng ngoài Vinashin, vẫn theo lời GS Nguyễn Thanh Giang, còn có “những Vinashin còn tệ hại hơn Vinashin. Tất cả đều được khai sinh, đều bắt buộc phải được nuôi dưỡng do chủ trương doanh nghiệp nhà nước là chủ đạo nhằm bảo đảm cho được đường lối kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”. Về vấn đề này, blogger Tô Hải nhận định:

"Tôi xin nói như thế này: Vinashin hay Vina gì chăng nữa thì rồi nó cũng đắm, sửa gì rồi nó cũng đắm. Tại vì sao? Vì họ làm sai quy luật, không chính danh, không theo đường lối, điểm kinh tế nào cả; tư bản chẳng ra tư bản, XHCN chẳng ra XHCN.
Tư bản thì tiền người ta bỏ ra, người ta phải lo. Chứ còn ở đây VN làm một tập đoàn kiểu Chaebol ở Hàn Quốc nhưng nhà nước quản lý, nhà nước chỉ đạo…Tôi xin nói là bây giờ chẳng qua là vì Vinashin đã chết lỡ rồi, thì hiện người ta cố tình tìm đủ mọi cách để vực nó dậy. Chứ tất cả mọi người đều thấy rồi – thấy nguyên nhân của mọi nguyên nhân. 

Nói tập đoàn này là của nhà nước, nhưng thực sự là của một nhóm quyền lực thì nó không thể nào tồn tại được. Thay gì thì thay nhưng nó vẫn không chính danh. Kinh tế bây giờ mà lại theo đường lối xã hội chủ nghĩa, do đảng lãnh đạo. Làm cái trò đó tức là lại tập trung toàn bộ của cải, đất đai của nhân dân vào cho một nhóm nuốn làm gì thì làm."
Blog Việt Thức cũng vừa mới phổ biến một bài nhận định của nhà văn Dương Thu Hương tựa đề “Lột Trần Chế Độ Cộng Sản”, có đoạn viết rằng:
"…Lấy ví dụ về tập đoàn Vinashin.  Mua một vỏ tầu cũ nát, đáy nứt, không thể vận hành, lấy sơn quét lên rồi rút hàng triệu đô la trong công quỹ. Hàng triệu đô la ấy quan lớn bỏ túi, còn con tầu bãi rác”sơn bóng loáng kia được đặt trên đất liền để làm hiện vật bảo tàng.'
Blogger Nguyễn Vạn Phú thì bày tỏ quan ngại về việc “Ai đứng ra tái cơ cấu Vinashin?”, cho rằng:
"Vinashin lại trở thành tâm điểm của các phiên chất vấn tại kỳ họp Quốc hội đầu tuần này. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã thừa nhận trước Quốc hội: “Tôi xin nhận trách nhiệm về những hạn chế, yếu kém [tại Vinashin]. Thủ tướng, Phó thủ tướng và các bộ trưởng có liên quan đang kiểm điểm để làm rõ trách nhiệm”. Tuy nhiên, quan trọng hơn, người dân rất quan tâm muốn biết đề án tái cơ cấu tập đoàn này sẽ được triển khai như thế nào, hiệu quả đến đâu."

Blog Phạm Viết Đào thì mô tả tình trạng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng “đơn độc trong vụ Vinashin” và nêu lên câu hỏi tình cảnh này do ông hay do cơ chế? Theo blog Phạm Viết Đào:
"Phiên chất vấn của Quốc hội tại kỳ họp kết thúc ngày 26/11/2010 đã thật sự để lại nhưng dư âm đậm nét, làm vỡ bung ra nhiều vấn đề và đồng thời cũng đã để lại những mối quan ngại sâu sắc trong dư luận của đông đảo cử tri không chỉ đối với năng lực quán lý, điều hành của Chính phủ mà cả đối với hiệu lực của các quy định pháp luật hiện hành ( thể chế ) đối với hoạt động quản trị kinh tế-xã hội và hiệu lực quản trị bộ máy…Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ra điều trần trước Quốc hội, trực tiếp trả lời các câu hỏi chất vấn của các đại biểu Quốc hội; buộc ông phải chính thức nhận trách nhiệm về vụ “đắm tàu” Vinashin. Ông đã trách nhiệm nhưng ông chưa chính thức có lời xin lỗi theo thông lệ trước Quốc hội, trước nhân dân."

Blog Phạm Viết Đào không quên lưu ý đến tình trạng “đơn độc” của TT Dũng, khi “Người đầu tiên tìm cách tách thoát ra khỏi cái con tàu đắm”- trách nhiệm, đó là Bộ trưởng Bộ Tài chính Võ Văn Ninh.
…Người thứ 2 cũng tìm cách nhảy ra khỏi con tàu tàu Vinashin để thoát thân đó là Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Hồ Nghĩa Dũng...(Và) Người trả lời thẳng thừng, cạn tàu ráo máng nhất với Thủ tướng có lẽ đó là BT Bộ Kế hoạch-Đầu tư Võ Hồng Phúc.

Riêng blogger Yêu Việt Nam phổ biến bài của Nhân Hoà có đoạn mở đầu rằng “ Tôi nghe từ quán trà bện ven đường, một ông bình dân nói: luật pháp Hoa Kỳ làm cho người bình thường nhất cũng hiểu để chấp hành, luật pháp Việt Nam làm cho người soạn ra luật đó cũng không hiểu. Lộn xộn là phải”.

No comments:

Post a Comment