LÒNG THAM MUỐN CÓ ĐÁNG TRÁCH KHÔNG?

 Hiện tượng khất sĩ Minh Tuệ diễn ra, chúng ta thấy nhiều người ở VN bầy tỏ lòng quý mến ông, có nhiều người vái lạy ông xem ông như Phật xuất hiện. Hầu hết những người bầy tỏ cảm tình thương mến khất sĩ là những người theo Phật Giáo, cũng nhiều người theo Thiên Chúa giáo biểu lộ tình cảm quý mến tương tự. Mình thử tìm hiểu từ đâu dẫn đến sự trùng hợp này. Trái lại cũng khá đông người không công nhận việc khất thực là cao quý, thậm chí còn cho đó là việc làm tiêu cực. Mình cũng thử tìm hiểu tại sao lại có sự mâu thuẫn này trong xã hội VN.

( Điểm <<a>>, <<b>>, <<c>>... là phần phụ ở cuối bài, bổ túc cho đoạn viết ở những điểm này được rõ) 


Nếu ở Úc/Mỹ/Canada hoặc ở châu âu mà xuất hiện một người đi khất thực như ông Minh Tuệ, cho dù kiên trì lâu năm thì cũng không ai quan tâm, chẳng ai thương cũng chẳng ai chê vì đó là chuyện cá nhân <<b>>, bởi vì văn hóa Phật giáo không được người tây phương hâm mộ, cho dù quan niệm sống khổ hạnh trong Thiên chúa giáo một thời cũng được người tây phương đề cao. Khất sĩ Minh Tuệ là một hiện tượng đặc biệt chưa từng thấy, thậm chí ở Tháiland một đất nước tự do, đạo Phật rất phổ biến nhưng khất thực như ông Minh Tuệ thì chưa thấy. Trước năm 1975 ở miền nam, tôi cũng chỉ thấy những cuộc hành khất do các chùa tổ chức mang tính hình thức, các khất sĩ rời chùa, đi vòng quanh làng mạc thành phố đến chiều thì về chùa. Họ không sống cảnh màn trời chiếu đất như khất sĩ Minh Tuệ rất nguy hiểm. Ngày nay người âu châu không đề cao quan niệm sống khổ hạnh như xưa. Ai muốn sống khổ hạnh thì đấy là quyền tự do cá nhân <<a>>. Cũng như nhiều người đam mê trèo núi Everest, bay lượn bằng  Wingsuit flying, thám hiểm đáy biển hoặc chinh phục vũ trụ... Đó là những việc làm nguy hiểm đầy thách thức đòi hỏi ý chí và niềm tin cá nhân mãnh liệt cho mục đích ấy nếu không muốn gọi là cực đoan. Với niềm tin mãnh liệt như khất sĩ Minh Tuệ, mình nên tìm hiểu về triết lý Phật giáo "hạnh đầu đà" và quan điểm "Đời Sống Khó nghèo" của Thiên Chúa giáo, một tôn giáo cũng phổ biến ở VN, thay vì để niềm tin tôn giáo, chủ quan kiểm soát tư duy độc lập.

Phật Giáo: Đức Thích-ca Mâu-ni xuất thân là thái tử vương tộc Gautama của tiểu quốc Shakya ông từ bỏ cuộc sống vinh hoa phú quý lên đường tìm (chánh đạo) cách dẫn dắt con người đi đến mục tiêu lý tưởng tuyệt đối (niết bàn) để mưu cầu Hạnh Phúc và An Bình vĩnh cửu <<b>>. Một suy luận hợp lý mà ta dễ dàng chấp nhận đó là, đức Phật không thể ngẫu hứng hoặc chán đời từ bỏ giai cấp thượng lưu, giàu sang xuống đường giảng đạo. Là thái tử vương chắc chắn ông được giáo dục cẩn thận bởi văn hóa Ấn Độ thời bấy giờ. Cuộc đời và sự nghiệp của Đức Phật được nhiều thế hệ ghi lại và viết thành sách. Triết lý Phật học đề xướng con đường Trung Đạo, tức là từ bỏ đời sống xa hoa nhưng cởi mở, không cần thiết phải tu hành ép xác khổ hạnh vốn được đề cao trong các học thuyết tôn giáo Ấn Độ thời bấy giờ. Phải chăng Thích-ca Mâu-ni là người cởi mở, (cấp tiến) dễ dãi hơn so với văn hóa Ấn Độ khiến cho đạo Phật không được người Ấn Độ hưởng ứng? Một cụ thể khác về văn hóa Ấn Độ <<c>>. Mohandas Gandhi được cả thế giới ngợi khen vì việc làm của ông phù hợp với văn hóa tây phương, người VN gọi là Thánh Gandhi nhưng ông không được người Ấn Độ coi trọng.

Thiên Chúa giáo: Đức Giêsu Kito (Jesus Christ) là người Do Thái, mẹ là bà Maira hạ sinh đức Giêsu trong hang đá Bethlehem, bà dùng máng thức ăn của trừu và bò làm cái nôi em bé giữ cho hài nhi được ấm. Nghèo như thế có lẽ không còn ai nghèo hơn. Khi lên 12 tuổi ngài đã bắt đầu thuyết giảng về đức chúa trời.  Tôi được nghe vài linh mục đã "Bi kịch hóa" cho vui về câu truyện từ kinh thánh Luca 2:46 rằng, chúa cũng phạm tội trách chi con người, chúa Giêsu đã không vâng lời cha mẹ nghĩa là đã phạm tội, khi lên 12 tuổi, cậu bé Giêsu đi lễ ở cung thành Jerusalem và ở lại đó 3 ngày không về nhà để thuyết giảng về đức chúa trời cho những nhà thông thái ở cung thành Jerusalem nghe, 3 ngày không về khiến cho cha mẹ ngài lo lắng, tưởng con mình đi lạc mất tích, cha mẹ đã quở trách đức Giêsu. Câu chuyện có ngụ ý rằng sự thông minh và khôn ngoan của Đức Giêsu đã bắt đầu từ lúc 12 tuổi khiến các bậc thông thái ở cung thành Jerusalem phải học hỏi nơi cậu bé. Triết lý của Đức Giêsu là sống khiêm nhường với tinh thần nghèo khổ, yêu thương và tha thứ cho mọi người. Trước khi chết trên thập tự giá ngài đã xin đức chúa trời tha tội cho những kẻ kết án và giết ngài...Nhưng đáng tiếc, triết lý của ngài chỉ phát triển ở châu âu nếu không muốn nói ngài đã thất bại ở ngay quê hương mình <<d>>. Ngày nay chúng ta vẫn còn thấy ở Trung Đông, họ hận thù nhau, nổ bom khủng bố nhau, rõ ràng triết lý "yêu thương kẻ thù" không được đón nhận bởi văn hóa xã hội Trung Đông.


Nếu khoa học khảo cổ có thể cho ta biết chiều cao trung bình của con người cổ đại thấp hơn chúng ta ngày nay thì ta có thể khẳng định họ nghèo khó hơn chúng ta, ăn uống thiếu bổ dưỡng không bằng chúng ta ngày nay. Chỉ 200 năm trước, cho dù châu Âu có tân tiến hơn các nơi khác nhưng họ vẫn còn nghèo lắm, khoan hãy nói đến hai ngàn năm hoặc trước công nguyên. Các quốc gia Ấn Độ hoặc Trung Đông nơi đức Phật hoặc đức Giêsu sinh ra. Đời sống con người lúc bấy giờ rất thô sơ, sản phẩm họ tạo ra được ít ỏi nhờ sức lao động bằng đôi bàn tay, hoàn toàn không có sự trợ giúp của kỹ thuật, sản lượng dĩ nhiên thấp và vì thế toàn xã hội đều nghèo. Họ xuất thân trong vất vả nghèo khó, họ cần có một triết lý phù hợp cho xã hội cùng thời để giải tỏa, để  đáp ứng nhu cầu tâm lý khó nghèo của con người thời đại ấy. 

Cả hai triết lý, Phật Học và Thiên chúa giáo đã lan tỏa khắp thế giới, cả hai đều có điểm tương đồng là trân trọng "Đời Sống Nghèo Khó" Sự trân trọng này phù hợp với đời sống người VN thời nay vì xã hội VN chưa phát triển, triết lý Đời Sống Nghèo Khó được người VN đón nhận một cách dễ dàng và vô tình. Người tây phương trước đây theo Thiên Chúa giáo cũng tương tự, nhiều linh mục gia nhập và theo đuổi đời sống khó nghèo, hiện nay vẫn còn những nhà dòng khổ tu và cộng đồng người Amish yêu mến khó nghèo, họ sống đơn sơ, lao động bằng đôi tay, nhưng không nhiều... Xã hội tây phương văn minh và phát triển, đời sống người dân giàu có hơn, sản xuất gia tăng nhờ máy móc và khoa học, đặc biệt từ khi họ biết dùng Gas và năng lượng điện, các trường phái khổ tu và những cộng đồng người Amish ngày càng thưa thớt vì họ không thể phủ nhận khoa học giúp con người thăng tiến, bớt khổ cực hơn.

Người VN vốn nghèo khó từ lâu và ngày nay vẫn chưa thoát khỏi nghèo khổ, họ có được triết lý Phật để củng cố niềm tin và an ủi cuộc sống thì đó là niềm vui nâng đỡ tinh thần, họ yêu mến nhau vì cùng chung hoàn cảnh, đồng thời họ cùng chịu đựng bất công xã hội, họ lên án sự giàu sang bất chính, mà mọi sự giàu sang luôn gắn liền với giới thống trị, giới thượng lưu, một nhóm người không làm ra tài sản vật chất. Nhưng người dân không có cách nào trừng phạt những kẻ có quyền, có tiền ăn trên ngồi trốc. Trong lúc này, tâm lý người dân VN yêu mến sự khổ hạnh, thì mình có thể hiểu được phản ứng của họ khi xuất hiện khất sĩ Minh Tuệ. Tâm lý người VN lên án giới thượng lưu nhà giàu tham lam thì ta hiểu được họ cũng khinh chê giới cầm quyền CSVN và những thầy chùa quốc doanh.

Xã hội VN ngày nay về mặt vật chất rõ ràng giàu hơn 30 năm trước, xã hội tây phương cũng tương tự, khi họ thoát khỏi nghèo khó thì tâm lý xã hội cũng thay đổi. Xã hội giàu hơn khiến tư duy con người thay đổi và mọi triết lý cũ trở thành lỗi thời. Do đó không ngạc nhiên có nhiều người VN không ủng hộ cách tu khổ hạnh. Triết lý khổ hạnh chỉ tồn tại trong xã hội nghèo khó bởi vì nó đáp ứng được nhu cầu tâm lý xã hội ấy. Thời nay, xã hội văn minh với công nghệ tinh vi đã giúp con người sản xuất nhiều hơn, nhanh hơn, nhẹ nhàng hơn. Thế giới loài người được ăn no mặc ấm đầy đủ hơn trước, tư duy xã hội ngày nay đã thay đổi rất nhiều so với tư duy 2 ngàn năm trước. Sự giàu sang ngày nay không hoàn toàn chỉ thuộc về giai cấp thống trị thượng lưu nữa, thời nay con người không chỉ giàu vì tiền bạc mà còn giàu về tri thức, kiến thức, chính trị, nghệ thuật, kỹ thuật, mạo hiểm và những đam mê đáng quý khác... 

Xã hội và con người luôn luôn thay đổi nhưng triết lý thì không, sự hưởng thụ của người dân thời nay có khi còn hơn giới cầm quyền, sự phát triển khoa học và thông tin đã giúp con người hiểu biết rộng rãi, nhờ sự hiểu biết và phát triển, con người ngày nay đã biến những trang triết lý bất di bất dịch hằng ngàn năm qua trở nên lỗi thời. Tâm lý người VN ngày nay đang mâu thuẫn giữa sự yêu chuộng nghèo khổ do ảnh hưởng triết lý cũ và sự hưởng thụ, đam mê trong xã hội mới đang diễn ra. Người VN cần phải điều chỉnh suy nghĩ của họ nếu không muốn nói họ cần có một triết lý mới để tránh mâu thuẫn xã hội, giúp họ không còn lên án lòng tham như là một thói xấu. Bởi vì lòng tham vọng thời nay có thể được xem là điều tốt, nhiều người có tham vọng chính đáng, lòng tham vọng chính đáng là cần thiết giúp con người cạnh tranh và thăng tiến. 

Một ví dụ cụ thể về lòng tham vọng chính đáng. Tỷ phú Elon Musk sinh ra ở Nam Phi một đất nước nghèo, có nền kinh tế bất bình đẳng nhất thế giới. Ông đi học ở Canada và định cư ở đó, sau này sống ở Mỹ. Nếu không có lòng tham vọng thì ông không thể làm chủ SpaceX, StarLink, Neuralink implant, Tesla, X (Twiter). Nếu một dân tộc mà lòng tham vọng bị triệt tiêu bởi tin vào một triết lý nghèo khó thì đất nước ấy đi về đâu. Có khác gì triết lý vô sản cả thế giới bỏ vào thùng rác nhưng lãnh đạo VN vẫn cố tình bám vào nó để giữ quyền lực, sợ xấu hổ không muốn nhìn nhận sai lầm, hệ lụy rõ ràng ai cũng biết. Vì thế lòng tham vọng công bằng theo pháp luật cần được khuyến khích, không thể "vơ đũa cả nắm" cho rằng bất cứ ai giàu có đều là kẻ gian dối phải khinh chê.

Ta không thể phủ nhận lòng tham là lẽ tự nhiên không riêng gì hiện diện nơi con người mà nó hiện diện trong muôn loài, con Gà hơn nhau tiếng gáy, con Công hơn nhau bộ lông để làm gì nếu không phải để quyến rũ con mái? Cô gái má hồng, ngực to mông rộng eo thon đó là nét đẹp tự nhiên, họ hoàn toàn được quyền tự do phô trương nét đẹp tự nhiên ấy, nét đẹp cũng là niềm tự hào của phụ nữ, cũng như những bông hoa khoe sắc, nếu phụ nữ có khả năng tình dục mạnh thì đó là một biểu hiện của một cơ thể mạnh khoẻ, đó là điều tốt tại sao lại khinh chê? Tiếc rằng có người cho đấy là tội khiêu dâm, gợi cảm tình dục để cám dỗ đàn ông.<<e>>. Một thanh niên cường tráng, đẹp trai, thông minh chắc chắn anh ta sẽ dùng lợi điểm ấy để chinh phục cô gái đẹp là lẽ bình thường. Vợ đẹp con khôn gia đình hạnh phúc đó là tham vọng tốt đẹp, tại sao có một triết lý khước từ lẽ tự nhiên tốt đẹp của con người và của muôn loài?

Nhà khoa học Albert Einstein phải than thở rằng:"Chúng ta không thể giải quyết các vấn đề bằng cách sử dụng cùng loại tư duy mà chúng ta đã dùng để tạo ra các vấn đề đó." Nhưng thay đổi tư duy con người không đơn giản là thay đổi triết lý bằng cách đốt sách như họ đã từng đốt hết sách của người miền nam. Thay đổi tư duy cần một quá trình phát triển xã hội lâu dài, muốn thay đổi tư duy xã hội cần sự chủ động của bộ giáo dục và một chính quyền nhân bản do dân bầu lên đồng thời người dân được quyền đào thải chính quyền của họ để chọn chính quyền khác trong ôn hòa và công bằng, đó cũng là lòng tham của toàn thể người dân, lòng tham này rất đáng trân trọng.


========================//========================

<<a>> Tôn trọng quyền tự do cá nhân là điều cần thiết trong thời đại văn minh. Khất sĩ Minh Tuệ nguyện theo 13 Phật pháp Hạnh Đầu Đà đó là lựa chọn cá nhân. Thần tượng một ai đó cũng là tự do cá nhân. Trong xã hội thời nay mà có quá đông người thần tượng một nhân vật nghèo khổ, sống màn trời chiếu đất đi khất thực khắp nơi vì ông tin vào một triết lý đã cũ. Chắc chắn xã hội này còn tụt hậu, quá nhiều tham lam bất chính không còn thuốc chữa nên người VN mặc dù ở thời đại "4G" nhưng người VN muốn trở về thơi đại BC hoặc AD?

<<b>> Theo Phật là đi theo con đường mà Ngài đã trải qua để tự giải thoát cho chính mình, đó là niềm tin của Phật và những người tin vào ngài. Phật không đòi hỏi chúng sinh tôn thờ ngài, Phật chỉ dạy cho chúng sanh tự giải thoát khỏi lòng tham sân si, để chinh phục niết bàn, đạt được hay không là do chính mình, đó là một ước mơ, là khao khát cá nhân, không ai làm cho ai cả mà chỉ mình làm cho riêng mình mà thôi. 

<<c>> Mohandas Gandhi là một luật sư người Ấn Độ, theo chủ nghĩa dân tộc, nhà đạo đức chính trị, người đã sử dụng chiến thuật phản kháng bất bạo động chống thực dân giành độc lập cho Ấn Độ khỏi sự cai trị của Anh. Ông đã truyền cảm hứng cho các phong trào đòi quyền công dân và tự do trên khắp thế giới. Kính ngữ Mahātmā được áp dụng cho ông ở Nam Phi vào năm 1914, người VN gọi là Thánh Gandhi. Chiến thuật phản kháng bất bạo động hiện được sử dụng trên toàn thế giới.

<<d>> Sống tại Australia, một quốc gia đa văn hóa. Mình nhận thấy người tây phương họ dễ dàng hòa giải, tìm giải pháp chung để  hướng về tương lai, nếu không muốn nói họ có tinh thần hòa giải cao hơn so với các sắc tộc khác. Nói thế không có nghĩa các sắc tộc khác không biết tha thứ, thường xuyên tinh thần hòa giải của người tây phương dễ dàng đi vào lòng giới trẻ sinh ra tại Úc hơn so với những người di dân đến từ các quốc gia khác. 

<<e>>  Vào ngày 16 tháng 9 năm 2022,  cô Mahsa Amini người Iran 22 tuổi đã chết tại một bệnh viện ở Tehran. Cảnh sát đạo đức quốc giáo Iran đã bắt giữ cô vì lý do không đội khăn trùm đầu theo tiêu chuẩn của chính phủ. Bộ chỉ huy cảnh sát Hồi giáo Iran cho biết cô lên cơn đau tim tại đồn cảnh sát, ngã gục, hôn mê và chết trước khi được chuyển đến bệnh viện. Tuy nhiên, những người chứng kiến, bao gồm những phụ nữ bị giam giữ cùng Amini cho biết, cô đã bị đánh đập dã man và chết do sự tàn bạo của cảnh sát.


No comments:

Post a Comment