Chú Lâm


Lời phi lộ của tác giả: Viết câu chuyện này tôi chỉ có một mong muốn duy nhất đó là nói lên sự nghịch lý trong ngôn ngữ Việt Nam mà xưa nay ít ai nhìn nhận, thậm chí còn ép buộc lớp trẻ phải theo khiến họ không thích hoặc tránh né nói tiếng Việt ở hải ngoại. Vì Chủ đề "Tình Yêu và Hạnh Phúc" nên tôi chỉ lướt qua, tuy nhiên, sự nhạy cảm nên sẽ có nhiều người cảm thấy khó chịu nhưng tôi vẫn nêu lên trong câu chuyện, bởi nó là sự thật đã xẩy đến với tôi. Tôi cũng tin rằng sẽ có nhiều người cùng cảnh ngộ mà thông cảm. Theo tôi, sự thay đổi lối nói chuyện và ứng xử của người Việt phải cần nhiều kiên nhẫn, không phải "một sáng và một chiều" mà có được, nhưng không phải là không thể làm được. Nếu có được sự thay đổi thì trách nhiệm chắc chắn là do giới trí thức, những người cầm bút, những người làm văn nghệ và phải được sự hậu thuẫn của chính quyền. Tiếc thay! Đảng CSVN lại là bức tường ngăn cản, thậm chí còn lợi dụng sự tiêu cực của ngôn ngữ và tập quán để trục lợi cho đảng và cá nhân. Là người Việt Nam, bản thân người viết vẫn còn chịu ảnh hưởng nặng nề bởi sự tiêu cực của tập quán người Việt, tuy nhiên tôi hằng mong ước một ngày kia, thế hệ trẻ Việt Nam sẽ được "giải phóng văn hóa" để thế hệ trẻ được hít thở một bầu văn hóa thoáng mát, để các nhà dịch thuât dễ dàng sử lý một cuốn sách, các nhà văn không còn mất thì giờ đắn đo đại danh từ nào xứng đáng cho nhân vật trong tác phẩm, hầu cho văn hóa Việt Nam được lên cấp thì mới mong một nước Việt Nam giàu sang thịnh vượng. - Xin Thành thật cảm ơn.

Chú Lâm

Hai người bạn cùng chung chuyến bay, họ được nhân viên xã hội dẫn đi nhận phòng. Midway hotel tọa lạc nơi ngoại ô miền tây Melbourne là nơi Lâm bắt đầu vào cuộc đời hoàn toàn bỡ ngỡ xa lạ. Lâm liếc mắt quan sát căn phòng, cách kiến trúc, sạch sẽ và nề nếp mà thầm phục sư văn minh và giàu sang của đất nước này.

- Quang à, Mày tắm trước đi.
- Không, Tao nghỉ chút đã. Nhà này không phải của mày cũng chẳng phải của tao, đừng khách sáo. Quang đáp

Lâm bước vào bồn tắm mở khóa nước, không khỏi ngạc nhiên, chàng lẩm bẩm: "Mẹ!.. Nước máy ở đây mạnh thật", chàng vội bước ra ngoài với tay khóa nước vì nước lạnh cóng xương. Loay hoay một lúc chàng khám phá ra một vòi nhưng có cả nước nóng và lạnh. Đắc ý chàng bước trở vào bồn, lẽ dĩ nhiên mở nước nóng, chứ nước lạnh thế kia!... ai mà tắm được. Nghe tiếng xít xoa vọng ra từ phòng tắm Quang gọi to:

- Chuyện gì vậy?
- Nước nóng qúa làm sao mà khóa lại đây! Lâm đáp.

Quang đẩy cửa vào phòng tắm thấy nước lênh láng, hơi nước bốc lên mù mịt, Lâm cứ la lên oai oái cố tìm cách khóa vòi nước nóng phun tung tóe, Thấy Lâm ép sát người vào tường đưa tay thật xa vặn khóa nước nhưng không thoát khỏi những giọt nước ác ôn tha hồ tưới lên thân thể "trần như nhộng".

- Quang phì cười, "Mầy đúng là bộ đội con. Ngớ ngẩn giống y hệt mấy người bộ đội chính quy vào miền Nam lần đầu cỡi xe Honda và được cái đài kep nách." Quang chế diễu.

***

Hơn hai tháng rồi, mặc dù trọng lượng có tăng thêm cả chục cân nhờ được ăn uống đầy đủ, nhưng cơ thể vẫn chưa quen được cái gía rét ở đây. Mùa đông ở đây lạnh thấu xương, Cái lạnh ấy nó càng thêm ác nghiệt vì họ vẫn còn là con người của vùng nhiệt đới. Quang đứng lên lấy trong tủ ra chiếc áo choàng đưa lên cao.

- Xem nè, tao mới xin được cái áo này dầy lắm, đẹp chưa. Mỗi lần đi lên đi xuống canteen ăn cơm, khoác vào cho bớt gió. Thôi đi ăn cơm chưa?
- Cơm với nước gì tao ăn chả được, mỗi thịt gà và bắp là ngon mà đâu phải ngày nào cũng có. Ở đây mày ăn cơm được không?
- Không, nhưng ăn món khác. Cơm họ nấu sống mà bỏ mỡ ngấy qúa, tao về nhà chị tao ăn đồ Việt Nam ngon thiệt. Tuần sau tao nói chị tao nấu ít đồ ăn Việt Nam mang vào cho mày ăn đỡ thèm!
- Thôi đừng. Họ đã dặn dò là không được nấu hoặc ăn ở trong phòng.
- Lâm từ chối. - Đừng sợ! Tao biết mấy người còn mang nồi điện vào đây hâm lại đồ canteen để ăn cho ngon nữa kìa!
- Tao biết chớ. Thậm chí có bà kia còn lớn tiếng trách cô nhà bếp là không lập tức dọn dẹp đồ ăn của bà ấy làm đổ ra nền nhà canteen, bà còn sỗ sàng nói chính bà phải trả tiền ăn ở. công việc của cô là phải dọn dẹp, nhưng tao nghĩ người ta lịch sự tiếp đãi, mình nên bắt chước và tự trọng là hơn.
- Ừ mày nói đúng. Tao thấy từ cách đối xử của nhân viên bán canteen, cô gíao dạy Anh Ngữ đến bầy chim hải âu không biết sợ người mà tao phải tự hỏi chính mình, chừng nào Việt Nam mới được thế này. Người Việt càng ngày càng đông, cứ tiếp tục làm những điều thiếu ý thức như vậy, họ sẽ có ấn tượng xấu với người mình, rồi họ sẽ chẳng còn lòng nhân đạo thâu nhận những thằng vô gia cư như tao với mày nữa đâu. Nè, hôm nay lại một chuyến bay đưa về Sydney, tuần sau lại có một chuyến bay đến đây từ Hồng Kông, tao nghe thằng Nam nói có má và em nó nữa.
- Nam nào? Lâm hỏi
- Thằng Nam ở Long House khu F bên trại đó, nó đi tàu PB 871 cùng với đứa em gái bây giờ đang ở nhà dượng nó bên cạnh nhà chị tao trong khu chung cư Kensington kìa. Một thoáng vui bừng lên trong trí nhớ. Lâm vẫn gọi là bé Ánh. Ánh thường đến lều anh chị Hoàng ở Pula Bidong chơi với Khanh là cháu của Lâm, vì vậy Ánh bắt chước Khanh gọi Lâm là chú và xưng cháu. Gia đình của Khanh bị phái đoàn Úc từ chối vì rắc rối hồ sơ với đứa con nuôi nên vẫn còn kẹt ở đảo. Ánh có nước da ngăm, dáng người cao, khuôn mặt dài, tóc ngắn có mầu vàng vì cháy nắng thường cột lại bằng dây thun phía sau gáy, Ánh có vẻ bẽn lẽn nhưng vui tươi và hồn nhiên. Tuy thế đôi khi nàng vẫn đùa dỡn nũng nịu và chọc ghẹo Lâm, vì Lâm lớn hơn và tỏ ra là người trưởng thành chín chắn.
- Trời ơi! thấy người ta đoàn tụ mà mình cũng bồn chồn lây. Lâm than thở.
- Mày độc thân, Anh mày bên đảo thế nào rồi cũng được đoàn tụ. Tao đây mới đáng buồn, vợ và 2 đứa con tao vẫn còn ở Cần thơ Việt Nam, cái ngày đoàn tụ thật xa vời. Tuần sau có người đến đây chở đi làm Farm, tao phải đi làm kiếm tiền gởi về cho gia đình. Tao mà ngồi học như mày không chịu được.
- Mày tưởng tao yên tâm ngồi học lắm sao. Đầu óc tao cũng lo ra giống mày vậy. Ở đây khung cảnh mày thấy đẹp không, nhưng buồn qúa. Quang ơi, tao chẳng có anh em họ hàng. Ngồi ăn cơm nói chuyện với mấy người lính ngày xưa họ toàn là khoe cấp bậc và đơn vị, tao chẳng có qúa khứ nào đáng để tự hào nên chẳng biết nói gì. Ở bên đảo còn có người quen, bên này, mày mà về nhà anh em thì tao chẳng còn ai. Ngồi học hoài rồi cũng chán lại lấy giấy viết thư về Việt Nam hoặc sang bên đảo cho anh chị Hoàng và mấy đứa cháu. Lâm với tay đưa cho Quang coi cuốn sổ tay. Nè tối qua tao viết về cho gia đình tao mày đọc thử xem: "Ta về đây làm loài tương tư lệ. Nhắm mắt buồn nuốt giọt xa quê. Ốc mượn hồn nặng nề vỏ đá. Thay vỏ trăm lần!.. ta vẫn là ta..."

- Mày cũng biết làm thơ à?
- Ừ, thì tao chỉ viết nhật ký đấy thôi, Ông già tao ổng yêu thơ lắm, nên chỉ viết một đoạn ngắn là ở nhà hiểu rõ lòng mình buồn như thế nào, còn viết thư dài mấy trang người Việt Nam họ cũng không tin đâu.
- Lâm à. Nếu ngày mai cô giáo hỏi thì mày nói là tao bịnh, đừng nói là tao đi làm, họ biết được thì tao phải trả tiền hotel gấp đôi đó nghen. Sáng hôm sau có người gõ cửa rất sớm. Quang dậy đi làm đến 10 giờ tối mới về, quần áo lấm be bét. Quang khoe nhổ cà rốt được 30 đồng mà phải trả tiền xe 7 đồng, mua cái bánh Hamburger 3 đồng nữa nên chỉ còn có 20 đồng bỏ túi.
- Hôm nay mày có ra đón người mới đến không? Quang hỏi.
- Có nhưng tao không thấy Nam và em của nó nên tao không biết mẹ nó là ai cả, Chuyến nào cũng vậy toàn là đực rựa không, con gái đâu chả thấy, mỗi chuyến bay của mình là có Thuỷ, nhưng người ở tận Sydney chạy xe láng coóng xuống đây rước đi chơi hằng tuần mày thấy rồi đó.
- Quang nhấn mạnh từng chữ: Trâu chậm uống nước đục. Mày đến sau không tiền không xe làm sao tán gái? Muốn có xe để chở em đi chơi mày phải đi làm như tao để dành tiền mua xe thì mới tán gái được. Quang thở dài:
- Ông Phước đi cùng chuyến mình làm mai con Thuỷ cho thằng em họ ở Sydney chớ có ai xa lạ gì đâu.

***

Midway Hotel tuy đông người nhưng khung cảnh luôn luôn yên tịnh, nhà nào cũng đóng cửa im ỉm, lối đi nối liền các unit (nhà) với nhau được đổ bằng xi măng quanh co giữa hai hàng thông che phủ, khiến người đi bộ dưới hàng cây vào những ngày mùa đông có cảm giác âm u, nhưng sạch sẽ và được chăm sóc cẩn thận. Nghiêng về bên phải phía trước canteen là một sân tráng nhựa rộng rãi, hai bìa sân được bao bọc bằng hàng cây english box cao bằng tầm mắt, lá xanh có đốm vàng cũng được cắt tỉa rất chu đáo để tách biệt nơi khu nhà ở với khu vực canteen và các văn phòng xã hội khác phía sau.Cũng như mọi lần, Quang luôn luôn lên tiếng rủ Lâm đi ăn cơm, dường như Quang sợ mất phần ăn! Họ cầm khay, lấy dao và nĩa xếp hàng tiến vào khu bếp chọn cho chính mình những món ăn mình ưa thích.
- Hôm nay lại thịt trừu nữa rồi, tao nghe người ta bảo xứ này nhiều trừu nên thịt trừu rẻ tiền hơn các món thịt khác... Lâm chưa nói hết câu, Quang thình lình cắt ngang:
- Kìa! thằng Nam kìa. Nó vào đây để thăm mẹ nó chớ gì. Lâm và Quang bưng khay dồ ăn tiến về bàn của Nam đang ngồi. Má của Nam độ bốn mươi tuổi, Nam giới thiệu mọi người, ngồi ăn chung nói chuyện làm quen. Lâm quay sang Nam: Ánh đâu không đến à? Bà Hoa đỡ lời: Có, Cháu nó ăn cơm ở nhà dượng no rồi nên không xuống ăn, cơm xong mời hai chú lại nhà chơi. Bà Hoa đưa tay chỉ về phía hông canteen và nói tiêp: Phòng số 1 nhà Emu đi đến ngã ba quẹo trái phía này là gặp liền, dễ tìm lắm.

***

- Lâm à! Mặc quần áo bảnh bao vào còn đi thăm em chớ.
- Em út gì, nó còn nhỏ xíu không sợ người ta cười thúi mặt sao. Lâm đáp.
- Nó năm nay cũng mười lăm mười sáu rồi chứ bộ, con gái Việt bên này hiếm như vàng, chuẩn bị đi là vừa, ngoại trừ mày tính chuyện tán gái Úc thì tao chịu thua! Tao thấy nó dễ thương lắm, không giống như hồi bên đảo đâu.

Lâm cười vui tươi đáp: - Đừng nói tầm bậy nữa, đi thì đi chớ em với út gì.
- Nếu mày không thích em út thì tao thích!Quang đáp.
- Mày nói gì? Mày thích con Ánh hả. Trời! nó mà chịu mày thì tao đi đầu xuống đất luôn.
Quang cười đắc ý: Mày ngây thơ quá Lâm à. Tao mất vợ thì phải đi kiếm người mất chồng chớ!... Tao già hơn mày nhưng trái tim tao còn trẻ hơn mày nhiều Lâm à. Tao đâu hy vọng gì hái được hoa tươi, nhưng nếu nhặt được cánh hoa tàn thì đời tao cũng bớt cô đơn biết chừng nào, mày hiểu không?
Lâm nằm vật ra giường, Không còn ngôn ngữ nào để diễn tả nỗi bàng hoàng, chàng tự nhủ: Tai mình có bị hễnh hãng không mà nghe Quang nói mấy câu hết sức là khó hiểu thế này. Lâm hạ thấp giọng từ tốn:
- Mày bao nhiêu tuổi mà đòi tán bà Hoa hở Quang? Trời đất ơi! Lộn ổ hết rồi. Quang vẫn cười dòn giã:
- Thôi đứng dậy đi đi, tối rồi. Tán không được thì mình ngồi ngắm chớ tội lỗi gì?

***

- Chú Lâm, chú mới qua hả? Gia đình Khanh có qua không? Bây giờ họ ở đâu? Trời ơi mừng qúa à...Sự ngạc nhiên và vui mừng lẫn lộn của Ánh làm Lâm cảm động. Cái hình ảnh cô bé với mái tóc vàng cháy nắng kia hôm nay hoàn toàn khác, mới hơn sáu tháng ở bên này, Ánh thay đổi nhiều qúa. Không hề ngượng ngùng, cùng với lời nói chân thành, Lâm hướng về Ánh: Bé Ánh, trời ơi! Mau lớn qúa, dễ thương ghê vậy kìa. Chú qua đây theo diện nhân đạo, Khanh và gia đình vẫn còn kẹt bên đảo không biết bao giờ mới qua.

***

Chiều nay thứ Sáu, người đến canteen ít hẳn đi. Quang được anh rể đến đón về nhà chị. Bà Hoa cũng không thấy, đa số đã về nhà họ hàng. Hôm nay không có gió lạnh. Ăn tối xong, Lâm mồi điếu thuốc bước xuống cầu thang, rảo bước trên lối đi đổ xi măng quanh co giữa hai hàng cây. Ánh điện lung linh xuyên qua cành lá vừa đủ để nhìn thấy lối đi và hàng rào hai bên. Chàng dừng chân ở lối dẫn ra car park gần khu nhà Franklin nơi ông Phước đang ở. Điếu thuốc vừa tàn, chàng đưa khủyu tay ra sau lưng chống lên hàng rào để cho tâm hồn chùng xuống đón chờ một kỷ niệm êm đềm nào đó mà chàng đã trải qua trong cuộc đời đầy thú vị nầy. Cái giây phút êm đềm ấy chẳng kéo dài được bao lâu. Chiếc xe 8 máy nổ phình phịch quẹo vào car park phá tan bầu không khí tĩnh mịch. Sau đó 5 chàng thanh niên ngông ngênh bước ra.
- Nhà này nè, trên lầu phòng số 3. Lâm đưa mắt nhìn theo quan sát, chỉ thấy một người trong bọn họ bước lên lầu gõ cửa phòng ông Phước. Qua một cuộc đàm thoại ngắn ông Phước đi theo chàng thanh niên xuống lầu và tiến đến bọn thanh niên lạ mặt đang chờ sẵn dưới cầu thang. Thình lình một người trong bọn họ ôm chặt ông Phước từ đàng sau. Cùng lúc, ba người khác ùa tới đấm đá lia lịa vào mặt và bụng ông phước... Người đàn ông tội nghiệp vùng vẫy la lên ơi ới "Cứu tôi!...Cứu tôi!... Nó đánh tôi... Cứu tôi!.."

"Trời ơi!..." Lâm sợ hãi, run cầm cập không biết phải làm gì nên chàng đứng yên như pho tượng! Họ đã dừng tay đấm đá nhưng tên kia vẫn ôm cứng ông Phước không buông thả. Một tên trong bọn không hề ra tay tiến đến ông Phước chỉ vào mặt:
- Tao cho mày biết, tao thương con Thủy nghe chưa, tao cấm mày mai mối vớ vẩn mà mất mạng có ngày đó nghen! Tha cho nó đi! Bọn năm người buông ông Phước, bình thản bước lên xe biến mất. Lâm vẫn chưa hoàn hồn, chàng vẫn đứng im sợ hãi, mãi đến khi ông Phước đứng dậy từ từ khập khiễng bước lên từng bậc thang, chàng tiến nhanh lại dìu ông tiếp bước vào trong phòng. Quan sát ông Phước, nhận thấy ông không có vẻ đau đớn lắm nhưng ông tỏ ra oan ức và ghét bỏ những phường "mê gái" xuẩn động vô liêm sỉ... Ông cũng tỏ ra một chút xấu hổ như một kẻ làm không công để mang họa vào thân... An ủi và từ biệt ông Phước, Lâm bước nhanh về phòng, nằm vật lên giường hít hơi thở thật dài, chàng lắc đầu ngán ngẩm! Như một đoạn film xã hội đen hoặc tình báo vừa sảy ra thật sự trước mắt chàng. Lâm thầm nghĩ mình không dám yêu ai nữa, chỉ làm mai mối mà còn bị trả thù huống chi mình yêu người đó có lễ cả ngàn tình địch khó lòng mà yên thân. Chàng tự nhủ: mình còn phải học nhiều lắm, chuyện yêu đương đừng nghĩ tới bởi vì khi yêu việc học hành sinh ra bê bối chểnh mảng, suốt ngày mộng mơ, tìm cách chiều chuộng làm vui lòng người yêu, ôi thôi!... Làm sao mà học hành cho được. Mình không chỉ học Anh văn mà còn phải lấy được cái bằng chuyên môn nữa kìa, bởi vì dẫu cho Anh Ngữ mình có lưu loát cách mấy, mình cũng chẳng hơn một người Úc không có học. Mình quyết tâm đi học, nếu cảm thấy cô đơn thì đọc sách là quên hết cô đơn, ở đây có cả thư viện lưu động, họ có cả tủ sách tiếng Việt đem đến đây hàng tuần, mình sẽ chẳng có thời gian rảnh rỗi để mà mộng mơ yêu đương bất cứ ai. Chàng còn nhớ một câu chuyện ai đó đã kể rằng: Làm toán có thể quên được sự đau đớn của cơn nhức răng. Vậy thì sự cô đơn, sự thèm khát một bóng hình con gái, mình có thể chiến thắng nó không khó đâu. Mình phải làm đủ mọi cách để xa lánh tình yêu, mình phải sợ tình yêu như cái con qủi sứ mới được...

***

- Lâm nè, ăn thử cái này đi, cánh gà chiên bột ướp kiểu Việt Nam đó. Nó hơi lạnh nhưng ăn cũng được. Tao thấy mày tội nghiệp qúa, tao mang cho mày 3 gói mì ăn liền nữa, đem xuống canteen ăn hoặc lấy nước sôi về đây chế vào mà ăn. - Cám ơn mày nhiều nha Quang. Cho tao gởi lời cám ơn chị mày nữa.

- Lâm à, kể từ hôm nay có lẽ tao không về nhà chị tao cuối tuần nữa đâu.
- Sao vậy?
- Ở đây vui hơn.
- Mày có vấn đề gì với ông anh rể à?
Quang cười vui tươi: - Không, đâu có, tao sẽ ở đây cuối tuần có hai lý do, thứ nhất là cho mày vui!
- Thôi đi, cám ơn! Còn thứ hai là gì? - Lâm hỏi.
- Thứ hai là... là... Nói chuyện với thằng Nam hôm qua, hai anh em Nam và Ánh không ở với dượng nữa mà dọn vào đây để mẹ con xum họp rộng rãi, học hành thuận tiện hơn. Bà Hoa sẽ không phải chạy ra chạy vào phiền phức... Tao muốn nói là Bà Hoa sẽ ở đây luôn trong những ngày cuối tuần, như vậy tao về Kensington làm gì?
- Trời! mày thương bà Hoa thật tình sao? Lâm tròn mắt.
- Tao không thương bà Hoa thì tao thương ai bây giờ? Hoa tươi không có thì kiếm hoa tàn cho đỡ ghiền vậy.
- Còn vợ con mày thì sao? Hơn nữa mày vẫn gọi bà Hoa là chị, vậy mày không mắc cở à? Lâm hỏi.
- Vợ con, tao đã làm giấy bảo lãnh xong rồi. Bà Hoa với tao là chuyện khác, mày không nghe người ta bảo yêu nhau không phân biệt tuỏi tác sao? Lâm chắp tay quỳ xuống quay về hướng Quang đang ngồi:
- Tao vái mày ba lạy! Mày để tao thở một chút! Tao chết ngộp rồi Quang ơi!Quang tươi cười cất giọng: - Ta ngắt đi... một cụm... hoa thạch thảo... ơ ớ.... Em nhớ cho... rằng ta... vẫn chờ em... vẫn chờ em...

***

Họ quen nhau qua những cuộc đấu banh chuyền từ bên trại. Họ hạp rơ với nhau. Lâm nêu banh rất chắc, Quang đập "không đẹp không ăn tiền". Họ luôn luôn đứng gần nhau bởi vì đó là cái "rơ" của họ, họ nói chuyện với nhau thân mật, mặc dầu Quang lớn hơn Lâm 7 tuổi. Đại danh từ Mày - Tao đối với họ không hề hàm chứa sự tôn trọng hoặc khinh khi, nó hoàn toàn trung tính giống như chữ You và Me trong tiếng Anh. Họ quý mến nhau, họ gọi nhau Mày-Tao bởi vì họ không muốn bị phân chia giai cấp chỉ vì một câu nói đầu lưỡi. Họ ý thức rất rõ điều ấy, nếu một khi họ gọi nhau là anh em họ sẽ đánh mất hết tình cảm vui buồn bấy lâu nay, sẽ không thể chia sẻ với nhau dễ dàng nữa. Chính vì ý thức như vậy, Lâm cho rằng mặc dù Quang thích bà Hoa cách nào đi nữa, đại danh từ đầu lưỡi vẫn là lũy lửa vô cùng khó khăn vượt qua để đạt đến tình yêu dù chỉ là vụng trộm.

- Quang à, yêu đương làm gì cho khổ. - Ừa! không yêu thì lỗ. - Quang đáp.- Lỗ cũng được. Tao không dám yêu ai đâu Quang ơi. Chỉ làm mai mà còn ăn đòn bầm mặt nữa kià, huống chi yêu với thương.

- Mày nói gì tao không hiểu.
- Thì ông Phước kìa, làm mai mối cô Thủy cho người ta, mới bị tụi nó đánh cho bầm mặt tối hôm thứ sáu kìa...
- Cái gì! Ông Phước bị đánh?
- Ừ, tao đang đứng hút thuốc ở dưới đất chiều thứ Sáu lúc mày về Kensington, lúc đó trời đã tối nên tao không nhìn rõ họ mà có lẽ họ cũng không nhìn thấy tao vì tao đứng ở dưới lùm cây. Chúng nó gọi ông Phước xuống lầu rồi túm vào đánh túi bụi. Ông Phước kêu trời nó cũng không cho chạy, nó dằn mặt cấm ông Phước không được làm mai mối Thủy cho bất cứ ai kẻo mất mạng vì nó đã yêu Thủy rồi.
- Mày nói gì ghê qúa vậy! Mày không dỡn chứ!... Thế rồi sao nữa?
- Thế rồi bọn chúng biến mất trên chiếc xe 8 máy chớ sao. Tao dìu ông Phước lên lầu. Ông bảo không sao đừng nói chuyện này với bất cứ ai thêm xấu hổ.
Quang thắc mắc: - Tụi nó là ai dzậy cà? Nhưng nó dằn mặt ông Phước mà mày cũng teo chim sao?...

***

- Chị Hoa, buồn qúa đến nhà chị chơi được không? - Lâm khách sáo.
- Có gì mà không được, mời hai chú vào nhà chơi, Hai chú đến cũng đúng lúc ghê vậy đó, con Ánh nó không hiểu bài, ở Việt Nam đi học bữa đực bữa cái toàn là lo chuyện vượt biên nên nó mất căn bản từ đó, chú học cao hơn làm ơn giúp để nó còn theo kịp chương trình bên này.
- Má nói vậy chớ đâu phải chỉ mất căn bản ở Việt Nam. Sang bên này con chỉ được học Anh Văn có sáu tháng là vừa đúng đầu niên khóa nhập học. Thầy gíao giảng bài con nghe không hiểu hết, con đọc câu hỏi còn chưa hiểu họ muốn con làm gì, mỗi chữ lại phải tra tự điển, kiếm ra được chữ tiếng Việt thì... cũng không hiểu luôn!

-Chú Lâm, đạo hàm có phải là ngược lại với tích phân phải không chú. Ánh hỏi.
- Bé Ánh hỏi chú như vậy chứng tỏ Ánh không mất căn bản tí nào cả. Lâm đáp.- Ánh đưa mắt nhìn Lâm sung sướng rồi liếc sang bà Hoa đang ngồi nói chuyện với Quang gần đó, Nàng tỏ vẻ hãnh diện vì nàng không phải là người mất căn bản như má nàng hiểu.
- Nhưng theo chú, mình học chương trình bên này, nên học tiếng Anh không nên dịch sang tiếng Việt thì dễ hơn, bởi vì khi mình quen tiếng Anh mình nghe giảng hiểu bài nhanh hơn. Dầu sao mình cũng cần thời gian để làm quen với các ngôn từ ấy và nó sẽ trở thành ngôn ngữ duy nhất của mình để hiểu và giải quyết vấn đề. Lúc ấy, nếu mình đọc câu hỏi mà không hiểu thì đó cũng là lẽ thường tình, bởi vì ngày xưa chú đi học, câu hỏi viết bằng tiếng Việt nhưng không thiếu người hiểu lầm hoặc không hiểu gì cả và làm toán sai.
Quang xen vào: - Bé Ánh à, Chú Lâm ở Việt Nam học lên tới đại học, có chú Lâm bên cạnh, Ánh cứ học đại là OK. Đôi mắt long lanh, hai gò má nóng hừng hực:- Chú Quang! Chú mà nói nữa là cháu vô phòng ngủ đó nghen. Bà Hoa hiểu Quang muốn gán gép Lâm và Ánh, bà hân hoan tươi cười nhìn con gái mình đầy âu yếm và hãnh diện. Từ khi gia đình bà Hoa dọn vào đây, Lâm không còn bị những nỗi cô đơn dày xéo từng chiều, Lâm đến nhà Ánh chơi thường xuyên. Lâm dường như đã trở thành người trong gia đình, Không chỉ dạy kèm mà còn là người giúp đỡ trong lãnh vực xã hội như điền đơn, thông dịch và ngay cả vấn đề ngân hàng sổ sách.

***

- Lâm à. Không hiểu mày nghĩ sao, riêng tao nghĩ mày nên sống bằng trái tim hơn một ít nữa, sống bàng lý trí nhiều qúa e rằng vô tình làm mất cơ hội hiếm hoi này đó.
- Mày nghĩ tao phải làm gì đây? Lâm hỏi.
- Ừ, thì mày phải bắt đầu nói chữ yêu với người ta, con gái đâu có ai nói trước bao giờ! Tối nay tao với mày đến nhà bà Hoa, mày rủ nó ra ngoài chơi, tỏ tình với nó còn tao tỏ tình với má nó... Lâm cười vui vẻ:- Thôi để tao dạy toán cho Ánh rồi rủ nàng đến thư viện học. Nếu mày không tỏ tình được với bà Hoa thì mày tính sao?
- Tao lo cho mày với con Ánh thôi chớ tao với má nó thì chẳng bao giờ muộn. Hơn nữa nếu mày dẫn Ánh đi thì còn thằng Nam ở nhà làm được cơm cháo gì?

Từ thư viện trở về nhà, đoạn đường qúa gần để bắt đầu bất cứ câu chuyện gì. Cả hai người họ đều muốn kéo dài cái giây phút êm đềm này, họ đi chậm lại.
- Chú Lâm, nếu chú không đến dạy cháu học thì chú làm gì ở nhà?
- Chú không có Ti vi nên chú thường đọc truyện, thứ nhất là học tiếng Anh, thứ hai là đỡ buồn. - Lâm hiểu rõ nhưng gì đáng phải nói với Ánh trong lúc này nhưng sao tiếng Việt khó nói qúa, cứ làm Lâm khựng lại, Chẳng lẽ: "Bé Ánh ơi! Chú yêu cháu". Thôi thôi không thể được! nhưng trước khi nói chữ "Anh yêu em" chắc chắn phải dài dòng văn tự lắm mà đường về nhà đã hết.
- Chú Lâm à, cháu đọc báo thấy có bài thơ, cháu nghĩ chú thích nên viết lại cho chú nhưng chú phải mang về nhà đọc cơ. Nè cầm lấy đi. - Nhà đã tắt điện, có lẽ chú Quang đã về rồi. Thôi chú về luôn nhé.

***

- Lâm à, dậy súc miệng rồi ăn sáng, mày không tính đi học hôm nay sao?
- Tối ngủ chả được, chắc hôm nay tao nghỉ. Quang à, tao nhờ mày chỉ giáo dùm.
- Chuyện gì mà khó khăn dữ vậy?
- Mày nói con gái không tỏ tình trước, đến bây giờ tao trở tay không kịp nên nhờ mày chỉ dùm. Lâm lấy trong ngăn kéo đưa cho Quang lá thư của Ánh:
- Nè đọc thử xem:

Ghét Anh!
Ghét anh lắm cứ gọi em bằng bé
Mười sáu tuổi rồi nhỏ lắm hay sao
Biết nhớ biết yêu bâng khuâng nhiều chứ bộ
Gọi bé hoài chẳng ngượng miệng sao
Ngồi nghĩ thầm người Bắc hay khách sáo
Muốn được làm Anh sao không nói thẳng
Nói ra đi tui hạ chức cho
Từ chức chú xuống làm anh xem chừng "ông" thích lắm
Theo người ta mà chẳng gọi bằng em
Còn rầy rà thêm ớt thêm đường
Thương cô bé như ngày nào thơ ấu
Nhìn mắt chú biết ngay câu nói xạo
Thương nhiều hơn nói đại ra đi
Ai như chú lầm lì hoài không nói
Đấy chú coi cháu ngại chi đâu
Biết chú thương nên khèo râu chọc tức
Dám giận không nào hãy nói nghe coi
Cứ nói đi lầm lì hoài như vậy
Rầy sẽ biết nếu anh hay tự ái
Con gái Melbourne hiếm lắm đấy nha ông
Nếu không chiều là em dông một mạch
Đừng trách chi người mà phải... "lỗi tại tôi"

Quang gật gù:
- Tao nghĩ mày là người may mắn và hạnh phúc nhất trong số những thanh niên Việt Nam độc thân ở đây. Như tao, mày thấy không, mất ăn mất ngủ nhớ nhung người ta mà người ta cứ... ăn ngon ngủ say... chả biết cho tim này... tha thiết từ bấy nay.... Lâm phì cười:
- Mày kiếm câu thơ đó đâu ra vậy cho tao mượn đỡ được không?
- Mày biết không, tao ước mong má nó nói với tao một lời "Dù là lời nghe chua cay..." để tao yên tâm chờ đợi bảo lãnh vợ tao cũng không có, còn mày được nguyên một bài thơ, đời tao chưa bao giờ được như vậy.
- Thế trước nay bà Hoa không nói gì với mày? Lâm hỏi
- Tao đâu có bảo là bà Hoa không nói, nhưng bả nói nhiều mà nói trật lất! Tao muốn nghe những lời yêu thương như con Ánh nó viết cho mày kìa.

***

- Mày đã tỏ tình đáp lại lá thư con Ánh chưa? Quang hỏi
- Có lẽ chiều nay mình lại đó chơi sớm hơn. Thư viện ở đây đóng cửa sớm mà dẫn nhau đi ngoài đường hoặc công viên gió lạnh lắm.

Ánh bưng lên bàn bình trà pha sẵn:
- Chú Quang. Cháu mời chú dùng trà, đây là trà tàu thơm lắm đó, cháu pha đặc để chú khỏi ngủ tối nay luôn. Cháu và chú Lâm đến thư viện chút xiú về, chú ở nhà nói chuyện với má nghen. Lâm và Ánh cùng rảo bước đến thư Viện, Ánh điện néon toả lan trên hàng cây um tùm, thỉnh thoảng có được đốm sáng từ trên ngọn cây xuyên qua in lên lối xi-măng ngoằn ngoèo dẫn đến thư viện. Sự cản trở của lá cây làm ánh sáng vừa đủ để hai người có thể trao cho nhau những nụ cười duyên dáng mà chỉ có những trái tim đang yêu nhau mới cảm nhận được.
- Chú không ngờ Ánh làm thơ hay qúa, nhưng Chú vẫn thương Ánh như ngày xưa chứ đâu có thương nhiều hơn! Bước chân của Ánh bỗng khựng lại, Lâm vội cầm tay Ánh:- Không chú chỉ nói đùa thôi đừng giận, hôm nay không lạnh mấy mình ngồi đây chơi được không Ánh. - Thôi mình vào thư viện đi, chừng nào họ đóng cửa thì tính sau. Hai người nắm tay nhau bước lên tam cấp vào cửa thư viện, một căn nhà tiền chế được trang bị đầy đủ ánh sáng và bàn học. Lâm lấy trong túi áo một cái phong bì in hoa mầu tím nhạt, chung quanh viền cũng in hoa và cắt kiểu cách rất đẹp. - Ánh - Lâm gọi.
- Hôm qua đọc báo chú cũng thấy bài thơ này, chú nghĩ là Ánh thích. Ánh vui tươi đón nhận, hai mái đầu tựa vào nhau họ cùng đọc:

Tại em!

Chỉ tại em xưa ác gớm
Xưng cháu gọi chú dẻo như cơm
Giờ đây đổi lại sao cho được?
Ngượng qúa trời ơi! Cháu hay em.
Nếu xưa em đừng xưng bằng cháu
Cứ gọi bằng anh giờ đâu rắc rối
Bây giờ làm sao anh thay đổi
Gọi Má bằng "Chị" đã quen rồi
Cũng chỉ tại em xưa đấy thôi…

Thương em thương bàn tay
Nhớ em má hây hây
Anh chờ ngày xuống chức
Bậc chú xuống làm anh
Trên đời duy nhất anh
Xuống chức mà vinh quang
Em ơi đừng cuời nhé
Mắc cở lắm đấy nghen...

- Chú làm thơ hay qúa. - Ủa Ánh vẫn gọi chú bằng chú sao? - Chứ bây giờ gọi làm sao? Ánh hỏi
- Ở bên này người ta bảo "Lady first" vậy Ánh nói trước đi.
- Không, Ánh nhất định không nói trước đâu. - Ánh nũng nịu.
- Thôi vậy hai đứa mình không thay đổi gì cả. Cứ gọi nhau bằng chú - cháu nhưng mình yêu nhau có được không? Ánh thỏ thẻ:
- Dạ được. Cháu thấy vậy mà dễ dàng hơn, bởi vì lỡ thay đổi rồi, khi quen miệng gọi nhau bằng Anh-Em, Má nghe được thì sao.
- Điều đó chú không ngại mấy, chú chỉ ngại xưa nay Nam vẫn gọi chú-cháu như Ánh, đến bây giờ Nam phải xem chú như đứa em trong gia đình mới khó xử kià!
- Chú lo xa qúa à!...Họ nắm tay nhau âu yếm...

***

Khóa học đã hết, Midway không có lớp học cao hơn nên Lâm phải đi xe Tram hằng ngày đến trường RMIT tọa lạc nơi trung tâm thành phố Melbourne.Thời gian cho phép ở lại Midway Hotel cũng giới hạn nên gia đình Ánh đã dọn ra đến ở tại một căn flat của chính phủ. Họ không dám gắn điện thoại vì sợ không đủ tiền tiêu dùng. Họ chưa có xe. Mọi thứ dịch vụ hoàn toàn tuỳ thuộc vào phương tiện của chính mình nhưng họ không có phương tiện nên phải nhờ cậy người quen biết. Nhiều lần Lâm đến nhà chơi nhưng lại trở về công cốc vì cả nhà đi shopping hoặc đi chơi vào cuối tuần. Họ không dám viết thư cho nhau sợ người nhà bóc ra xem. Họ thiếu thông tin và phương tiện giao thông. Có vài lần may mắn Lâm đến gặp được cả nhà thì cũng gặp nhiều người lạ mặt khác lái những chiếc xe láng coóng đến chơi. Có lần chàng trở về trong tủi nhục vì họ vừa bước lên xe đi du lịch nhưng xe không đủ chỗ để mời Lâm cùng đi. Chàng ân hận trở về, nằm vật lên giường. Chàng đay nghiến: Không yêu thương gì cả! mình còn cả một tỷ công việc để làm, mình hứa là mình sẽ không yêu ai hết, mình phải yêu chính mình trước, mình phải học cho tương lai của chính mình, xứ này ai mà không có xe mới, trên đời này ai mà không có vợ, đời mình còn dài, còn nhiều dịp khác để quen biết, mai kia anh chị Hoàng sang bên này mình sẽ có nhiều dịp để làm quen, mấy đứa cháu gái như Khanh nó sẽ giúp mình có nhiều bạn hơn, thôi. Bỏ đi! quên đi! Dẹp mẹ nó đi...

* * *

Quang bước vào nhà với bộ quần áo bê bết bùn. - Làm Farm cực không hở Quang? Lâm hỏi
- Mày cứ tưởng tượng, ngoài trời mưa lạnh, đất đỏ dính như dầu hắc bám xung quanh củ cà rốt, mỗi củ mày phải vuốt sạch rồi mới ném vào thùng, vuốt vài củ đầu thì thấy lạnh tay. Làm khoảng 2 tiếng đồng hồ sau mỗi củ tựa như một cây kem lạnh to mày phải vuốt. Nói cho mày sợ thôi chớ trúng ngày không mưa thì dễ hơn nhiều. Mày muốn đi làm sao mà hỏi.
- Ừ tao cũng muốn thử xem mày nói thiệt hay nói xạo đó mà! Quang cười đắc ý - Mày đi làm đi thì biết.
- Quang à, tao nghĩ mình nên dọn ra ngoài ở. Mình phải kiếm phương tiện nấu nướng thì mới tiết kiệm được. - Mày nói có lý. Chị tao cũng nói vậy, bả cho cái tủ lạnh cũ nhưng vẫn OK. Ra Second hand mua ít nồi chảo là được rồi. Vấn đề quan trọng là phải có đủ tiền đặt cọc người ta gọi là tiền bond nữa...

***

Đã lâu họ chẳng thèm nói chuyện tình yêu nữa, họ hiểu châm ngôn "Trâu chậm uống nước đục". Lâm đã kiếm được việc ủi quần áo cho một hãng may, Quang vẫn tiếp tục làm Farm, họ đã thật sự hội nhập với xã hội mới này mà xưa nay vẫn gọi là đệ tam quốc gia. - Quang à, tao thấy mày có vẻ bị bóc lột sức lao động qúa à. Tao hiểu mày có nhiều tiền hơn vì được lãnh trợ cấp thất nghiệp, nhưng mày thử tính xem thức dậy 4 giờ sáng tối 10 giờ mới về tổng cộng là 18 tiếng đồng hồ cực nhọc, không được coi Tivi, không có thời gian nghe nhạc, chẳng gặp bạn bè, ngay cả tao sống chung nhà mà cũng không gặp. Đời mà sống như thế sống làm gì, hay để tao dẫn mày đến CES kiếm việc làm chính thức.

- Tao mới nhận được thư của vợ tao, nó mừng lắm khi nhận được quà tao gởi về, nếu tao không làm Farm có lẽ không đủ tiền gởi về đâu. Còn mày có nhận được tin gì không. - Quang hỏi - Anh chị Hoàng sắp sang rồi nhưng tao sẽ không ở chung đâu vì có tám đứa con không đủ chỗ ở, nhưng tao sẽ kiếm nhà cho anh chị ở gần đây để dễ dàng đến thăm, nhưng tao cấm mày dê chị dâu của tao. Lâm đùa.
- Chị dâu mày tám đứa con rồi còn gì để mà dê. Mày yên tâm tao không "Yêu làm gì cho khổ..." - Quang chế diễu .

* * *

Tuần nào nhà anh chị Hoàng cũng đông nghẹt người, nhiều nhất là thanh niên đến ngấp nghé Khanh cô con gái đầu lòng. Nhiều anh rất học thức nhưng cũng không thiếu người lả lướt chơi xe láng coóng... Lâm hiểu đây là tình trạng chung của ngươì Việt tị nạn bên này: trai thừa gái thiếu. Chàng không còn ân hận gì mối tình với Ánh ngày xưa tuy nhiên đôi khi Khanh vẫn nhắc đến Ánh nhưng chàng giữ kín như không có gì sảy ra.

***

Lấy được bằng lái xe đối với Lâm không gì khó, Chàng cũng đã có chiếc Ford Cortina đời 1974, chiếc xe tuy không láng coóng nhưng ít nhất nó là phương tiện của Lâm và gia đình anh chị Hoàng.
- Chú Lâm à, ngày mai chú rảnh chở tôi và anh đến nhà ông bà Toàn chơi. Ông bà ấy ân cần mời mọc từ tuần trước.
- Ông bà Toàn nào? - Lâm hỏi
- Ông Mai Văn Toàn, cũng họ Mai giống bên nội vậy. Ờ có lẽ chú không biết đâu, ông ấy là người cùng làng bên Bắc, sau này vào miền Nam, nhờ ông Diệm đưa cả nhà lên Ban Mê Thuột lập nghiệp, lúc ấy còn nhỏ, sau này đi lính nghĩa quân nên quen anh Hoàng. Chỉ quen biết sơ thôi nhưng sang đây vì cùng ở Ban Mê Thuột nên cũng thấy qúy, Ban Mê Thuột có mấy người vượt biên được sang đây!

***

Ông Toàn niềm nở: - Anh Hoàng! Trời ơi qúy hóa qúa. Bên này mà có được anh em thì mừng hết sức. Năm năm nay mới gặp được người thân. - Đây là Lâm em tôi, nó là con út trong nhà có lẽ ông không biết. Nó đến đây cả năm rồi, nhờ chú nó có xe chở đến đây. - Hoàng giới thiệu.
- Trời ơi vậy mà không biết mời anh vào nhà chơi. Bữa cơm thịnh soạn được dọn lên.
- Bên này cá hiếm lắm. Nhà em nó phải dặn dò tiệm cá của người Ý mãi mới có con cá Bống Mú này đấy. Hôm nay anh em mình còn có món giả cầy nữa, đặc biệt hương vị quê hương.
- Làm phiền ông bà qúa! Gặp nhau là qúy rồi, bầy vẽ ăn uống làm gì cho mệt vậy. Hoàng khách sáo.
- Sắp sửa vào mùa hè rồi trời nóng qúa. Mời anh và anh Lâm dùng loong bia cho mát. Ông Toàn cứ thao thao bất tuyệt. Này cái họ Mai hiếm lắm, em viết thư về Việt Nam, Thầy em bảo nếu có người họ Mai mà lại là người miền Bắc năm-tư, thế nào cũng là anh em họ hàng đấy.
- Hòang đáp: Theo tôi nghĩ, Họ Mai cũng nhiều người lắm. Ngày xưa ở Nam Định tôi biết nhiều người họ Mai, ngay ở làng Trung Thành chỗ ông bà nội các cháu cũng có ba dòng tộc họ Mai. Nhưng chuyện ấy xưa lắm rồi, dù sao mình cũng là người Ban Mê Thuột. Người Ban Mê Thuột mới hiếm và qúy còn họ Mai ở đâu mà không có. Vậy gia đình ông bà được mấy cháu? - Hoàng hỏi.
- Dạ bốn, đứa lớn con Nga đang giúp mẹ nó ở dưới bếp, đây là thằng út, phá lắm....

Hoàng mới đến Úc, chẳng có gì sang mà cũng được "bắt quàng làm họ.." Hai gia đình kết thân với nhau dù sao cũng là lẽ thường tình vì họ có cùng một qúa khứ nên thường xuyên đến nhà nhau chơi. Từ khi có anh Hoàng, Lâm có thêm bạn, Sơn bạn trai của Khanh tỏ ra thích Lâm. Trước mắt họ thích hoà tấu đờn Guitar, thứ hai là có cơ hội truyện trò cùng Khanh vào cuối tuần để phô trương tài nghệ, có lẽ lý do thứ hai quan trọng hơn. Có nhiều lần gặp gỡ đông đủ: Gia đình tại nhà anh Hoàng, ông bà Toàn, Nga, Sơn, Khanh và Lâm. Họ thường bầy ra ăn uống truyện trò vui vẻ. Người lớn nói chuyện người lớn, trẻ con chơi ngoài sân, những người đang kiếm tìm hạnh phúc đôi lứa họ đến với nhau.
- Lần đầu tiên thấy người chơi Classic mà giữ đúng nhịp như chú Lâm, nghe thật du dương, đệm cũng sướng tay. Sơn tấm tắc.
- Chú Lâm, Chú đờn bản Romanza mà có soạn lời Việt đi, cháu thích bài đó lắm. Khanh yêu cầu.
- OK. Sơn đệm điệu Boston cung Mi thứ, mà Tempo không đều đặn, Sơn phải theo cho đúng nhịp nha. Sơn dạo trước đi. - Lâm yêu cầu. Hai tiếng đàn vừa hòa lại, Lâm cất tiếng hát: "Người ơi người... Vì yêu người... Lòng ta hằng mong được thấy người... Mượn gío trời,... gởi tới người,... lòng trung thành mong được người yêu.... Hàng nến trầm soi lại dấu ân tình..."

- Khanh ơi, Nga chưa nghe ai đờn và hát như vậy bao giờ. Lâm và Sơn vẫn tiếp tục. Họ thả hồn theo tiếng nhạc, họ lập đi lập lại bản nhạc bởi chính họ đang say mê, họ còn cảm nhận được sự ru hồn của bản nhạc đến với hai nữ thính gỉa Nga và Khanh. Lâm ngừng hát và kết thúc bằng một âm giai Mi thứ từ thấp đến cao tuy nhiên note cuối cùng không chấm dứt bằng note Mí ở octa thứ tư mà là note Mì dây trầm nhất của đờn Guita. Bốn người bạn dường như ngừng thở, họ yên lặng nhìn nhau, họ đang thưởng thức cái giây phút lãng mạn êm đềm hiếm hoi này. Bỗng nhiên khúc nhạc dạo bản Dòng sông đa nup vui nhộn, Lâm cố tình chấm dứt giây phút mong manh kia để đưa ba thính gỉa thưởng ngoạn một cuộc du thuyền mạo hiểm.

- Sơn, điệu Valse vui nhộn cung La thứ. - Lâm yêu cầu.Tiếng đàn réo rắt hùng tráng nhưng chỉ được đoạn đầu.
- Chỗ này chịu thua chú Lâm ơi, Sơn đệm không vô. Hoà âm chỗ này khác thường qúa.
- Ừ đến chỗ này họ chuyển sang cung La trưởng một đoạn ngắn rồi đổi thành Sol thứ trước khi trở về La thứ, bản nhạc này phải công nhận người viết hoà âm rất tài nghệ, họ chơi luật rừng, theo tôi nghĩ họ phá luật để diễn tả con thuyền tròng trành mất thăng bằng nơi dòng thác. Cả ba người cười rộ.- Như vậy thua trước là phải rồi. - Sơn đáp.

- Lần đầu tiên cháu được nghe nhạc loại này đó. - Nga nói.
- Vậy xưa nay Nga nghe nhạc gì? - Lâm hỏi.
- Thì cháu vẫn nghe nhạc bình thường đó chẳng hạn như nhạc Việt Nam hoặc Disco nè!
- Vậy có lẽ Nga không thích nhạc loại này? Lâm khiêu khích.
- Cái chú này, Nga muốn nói là chú chơi đàn hay nhưng không muốn khen lộ liễu, cháu biết chú thích thọt lét người ta để người ta lên tiếng chớ gì. Khanh bênh vực. Hai gò má ửng hồng tròn trịa.
- Thank you Khanh! Nga đáp.

- Này Nga này. - Ông Toàn ngồi từ bàn ăn gần bếp xen vào.
- Họ hàng có tôn ti trật tự, Tao gọi là Anh Lâm mà mày lại gọi là Chú thì không nghe được. Nhà này mày phải gọi là bác Hoàng, bác Lâm và chị Khanh, Mới sang đây mấy năm mà chúng nó mất gốc hết rồi anh chị ạ. Nga ngương ngùng cúi mặt, hai bàn tay thừa thãi.
- Thôi! chúng nó bằng lứa với nhau, gọi sao cũng được. Anh Hoàng đỡ lời. Không khí đang vui tươi, bỗng nhiên trở nên ngột ngạt, Nga vội vàng bước ra ngoài sân chơi với mấy đứa nhỏ. Lâm và Sơn gác đờn vào góc tường mời nhau điếu thuốc. Khanh dứng lên lấy nước cho chú Lâm và anh Sơn.

***

- Cái ông Toàn này làm quê mặt hết sức. Lâm nói. Sơn hùa theo: - Ờ, đang là vui, ổng nói một câu làm hư bột hư đường hết trơn!
- Lần đầu tiên cháu nghe có người gọi chú Lâm bằng Bác oai thật. Khanh diễu.
- Chú muốn làm bác của cả thiên hạ như "Bác Hồ vĩ đại", chớ làm bác của con ông Toàn thì béo bở gì?
- Bên này mà chú còn nhắc tới bác Hồ! người ta ghét lắm, người ta gọi là cáo Hồ không à. Chị Hoàng xen vào.
Lâm nói tiếp: - Thôi chị ơi phiền lắm! Lối xưng hô Việt Nam nếu mình cho là khó thì người đời cho rằng mình chưa quen! Mất gốc! Dở! Kém xã giao hoặc hỗn láo!!!... Nếu gọi cho đúng lễ thì người bán Milk Bar không họ hàng bỗng nhiên trở thành anh của cha mình là "Bác". Theo em, chỉ có cha mẹ và con cái trong gia đình có thể phân biệt, ngoài ra ta có thể gọi bất cứ ai là Bạn và xưng là Tôi. Chị có nhớ anh Liêm và Anh Hiền không, hai anh em họ, cưới hai chị em ruột, vì là anh mà còn trẻ nên cưới em, Thầy là người nho giáo như vậy cũng không thể phân biệt ai là em ai là chị, cuối cùng anh Liêm lý luận: "xuất giá tòng phu" cho nên vợ của anh Liêm khi chưa có chồng dĩ nhiên là em, nhưng khi có chồng đương nhiên trở thành chị. Thật là nực cười!

- Chú Lâm lý luận hay qúa, Chú phải học ngành Luật mới đúng. Sơn nói.
- Thật sự, nếu thần cây đèn của Aladin hiện ra cho tôi ước 3 điều. Điều trước tiên tôi muốn trở nên một diễn viên điện ảnh chứ không phải là luật sư. Điều thứ hai là trở thành một nhà văn nổi tiếng.
- Còn điều thứ ba là gì hả chú? Khánh hỏi
- À... à, diều thứ ba là cho mấy người bảo thủ cỡ ông Toàn chỉ hưởng thọ 50 tuổi thôi! Cả nhà cười rộ...
- Nhưng mà để làm gì vậy hả chú? Khanh hỏi tiếp.
- Điều thứ nhất, khi là diễn viên điện ảnh, mình có nhiều dịp gây ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống văn hóa. Điều thứ hai là một nhà văn mình sẽ hậu thuẫn cho khuôn mặt diễn viên của mình để lớp trẻ học hỏi nơi mình. Điều thứ ba là mấy người bảo thủ không có thời gian vỗ ngực xưng bác với thiên hạ. Chưa được 50 tuổi đầu mà đã nôn nao muốn mọi người gọi mình là bác. Chú không muốn nói riêng Hồ Chí Minh, nhưng người Việt thích làm bác lắm. Chú cảm thấy bị ngộp thở vì lối xưng hô của người Việt nên muốn lớp trẻ sau này được "giải phóng văn hóa" để họ có được lối xưng hô dễ dàng, và bình đẳng.

***

Lâm đang ngồi học ráo riết cho kỳ thi ra trường, điện thoại bỗng reo vang.
- Chú Lâm, sao hai ba tuần không sang nhà cháu chơi? Sang đây, Nga gởi cho chú cuốn băng nhạc có bản "Cây Đàn Bỏ Quên", do ca sĩ Hương Lan hát, Nga nói tiếng nhạc đệm giống kiểu đệm của Chú. - Khanh gọi.

Tuy là chị dâu nhưng Lâm qúy chị Hoàng lắm, sự thông cảm nhau còn hơn cả anh ruột.
- Chú Lâm à, Tôi nói chuyện với anh Hoàng rồi. Là người lớn với nhau, họ qúy hóa mình thì mình phải tử tế, không nên lén lút họ sẽ khinh chê mình. Ở bên này không có cha mẹ, nhưng ít nhất anh Hoàng có thể thay mặt Thầy U để nói chuyện người lớn. Tôi thấy chú là người đã trưởng thành, học hành đã tươm tất, Mình là đàng trai mình phải lên tiếng trước để chú và Nga có thể đi lại với nhau, tìm hiểu nhau, vấn đề xây dựng mái ấm gia đình nếu có thành đạt thì cũng cả năm nữa. Lúc ấy chú đã có công ăn việc làm, tôi thấy đây là thời gian rất phù hợp để mình chính thức đến với họ. Chú có nghĩ như vậy không?

***

- Ông Toàn trịnh trọng: Cám ơn anh chị đã ngỏ lời với gia đình tôi. Vấn đề này rất hệ trọng nên không có gì vội cả, để tôi viết thư về Việt Nam hỏi kỹ lưỡng về gia phả họ Mai nhà tôi xem có điều gì trục trặc không. Cuộc gặp gỡ ngắn ngủi, không khí ngột ngạt. Sự niềm nở hân hoan đón mời ngày xưa bỗng dưng biến mất từ đấy, hai gia đình càng trở nên xa lạ...

***

Nga nhận xét phần nào đúng, bản "Cây Đàn Bỏ Quên" đờn Guita dây nylon với lối chơi ép dây, tiếng đờn tròn và ấm, rải đều và quyến rũ trước khi lời nhạc bắt đầu. "Hôm qua,... tôi đến,... nhà em,... Ra về,... bỗng nhớ,... rằng quên,... quên cây đàn,... tình- tang, tính -tính tình -tang..." Lâm và Nga liên lạc với nhau bằng hộp thư riêng, Nga chỉ gọi điện thoại khi cần thiết nhưng họ nói bằng tiếng Anh cho dễ bởi vì Lâm cố tình tránh cái chữ chú-cháu chẳng mấy xuôi tai và đầy ác cảm. Hơn nữa nếu ông Toàn biết được, chắc chắn sẽ lôi thôi. Họ hẹn hò gặp nhau bằng nhiều cách nhiều nơi.

***

- Nga, anh thích bài hát này rất dễ thương. Lâm nói. Tiếng đờn Guita dạo vui tươi tha thiết: "Hey there lonely girl, lonely girl.... Let's me make your broken heart like new.... Hey There lonely girl,... lonely girl. Don't you know this lonely boy love you...."Họ nhìn nhau cười vui tươi.
- You know, I've been waiting for this moment? Em mừng lắm khi bác Hoàng dẫn anh đến hỏi cưới em. Nhưng anh biết không, gia đình em ai cũng chống đối. Anh có hiểu rằng em phải sống trong gia đình với mọi sự khinh chê từ mấy tháng nay không. Mấy đứa nhỏ nó gọi em là "điếm" em cảm thấy nhục qúa, nhiều lần em muốn chết đi cho xong, em không muốn sống trong nhà nữa, em muốn hai đứa mình đi tiểu bang khác ở.
- Em thật là táo bạo đó Nga.
- Anh không hiểu Em tí nào cả. Nếu ngay lúc này ai có thể cho em ở tạm, em sẽ không về nhà nữa, em không thể sống trong cái không khí ngột ngạt mà gia đình dành cho em còn tệ hơn một người hầu. Nga đứng lên bước nhìn ra cửa sổ, nỗi uất ức dâng tràn, nàng khóc trong cuống họng một cách tức tưởi.
- Anh xin lỗi em. - Lâm vội bước theo đưa tay ôm Nga từ đàng sau - Nga, anh van em đừng giận anh, Ít nhất mình phải chuẩn bị đầy đủ trước khi hai đứa mình có thể sống chung với nhau. Em cho anh một ngày để chuẩn bị được không? Nga kéo tay Lâm từ đàng sau về phía trứơc ôm vào ngực mình.
- Dạ, Ngày mai là ngày hai đứa mình cưới nhau đó nghe anh. Họ ôm nhau âu yếm, Nga cởi chiếc áo khoác, mềm mại, ngả người xuống ghế xa lông.
- Anh, em muốn anh luôn luôn bên cạnh em, Anh sẽ là của em suốt đời...Nàng nhắm mắt, Làn da trắng mịn màng, lồng ngực căng, hơi thở nhẹ nhàng phập phồng thấp thóang dưới lớp áo thun trắng mỏng đang chờ câu trả lời thoả đáng từ Lâm.
- Ngày mai là ngày cưới của mình, anh có vui không?
- Không. Anh không cưới em ngày mai đâu... Lâm dừng lại giây lát để cho sự hồi hộp dâng cao.
- Anh nói gì vậy?
- Anh nói là anh sẽ cưới em ngay bây giờ...

***

- Chú Lâm hả! Trời ơi sao mấy ngày nay gọi cho chú chẳng được mà chú cũng chẳng gọi lại tôi? - Chị Hoàng trả lời điện thoại trong nỗi vui mừng và bối rối.
- Khổ qúa chú ơi. Ông Toàn xuống nhà tôi ăn vạ kia kìa! Bà ấy khổ sở khóc lóc, ông ấy bảo chú dụ dỗ con Nga bỏ nhà ra đi. Ông ấy báo cảnh sát đi tìm đấy. Bây giờ chú đang ở đâu, chú biết con Nga nó ở đâu chú phải nói ngay kẻo bà Toàn chết mất!
- Em vẫn ở chỗ cũ. Em không biết Nga ở đâu hết. Nga nói với em Nga về Adelaide ở nhà người quen.- Chú nói vậy tôi không tin đâu. Chú phải nói thật, nó ở đâu, bây giờ chú đến nhà tôi ngay được không.
- Được, em sẽ gặp chị nhưng chị đừng gọi ông Toàn đến, không giải quyết được gì đâu...

***

- Tôi biết trước từ lâu rồi, "thương nhau lắm cắn nhau đau". Ông toàn chỉ vì tự ái và xấu hổ với bạn bè, gặp ai cũng giới thiệu là họ hàng, gọi nhau là anh em ngọt xớt, bây giờ mang con gái đi gả cho thằng anh họ làm sao coi cho được!.. Tôi biết chú chẳng ưa gì ông Toàn, nhưng chú phải nghĩ đến bà ấy, bà ấy đâu có chống đối gì chú đâu mà chú làm bà ấy khổ qúa.
- Sao chị biết bà ấy không chống đối?
- Bà ấy nói với tôi, bà ấy chỉ cần gặp Nga để đưa cho nó năm ngàn, đây là tiền của nó mà bà ấy để dành từ lâu. Đưa cho nó để có tiền tiêu dùng rồi nó muốn đi đâu cũng được, muốn lấy ai thì lấy.
- Vậy bà ấy có thể đưa cho em, em chuyển lại cho Nga.
- Cái tật của chú là cứ dỡn hoài. bà ấy muốn nhìn thấy con gái của bà chứ ai mà đưa tiền cho chú..."nối giáo cho giặc" à!
- Vậy chị gọi em là "giặc!" Em làm gì nên tội?
- Chú chẳng làm gì nên tội cả. Con Nga nó bỏ nhà ra đi là do chính nó, không rủ nó cũng đi, mà nếu nó không muốn ra đi thì chẳng ai quyến rũ được. Nó lớn rồi chứ con nít đâu mà... dụ kẹo!.. Có điều tôi biết chú không muốn nói ra là Nga đang ở đâu, nếu chú không chịu là giặc thì cũng là đồng lõa.
Cả nhà phì cười.
- Má nói kỳ ghê vậy, hai người yêu nhau mà không đồng lõa thì làm sao gọi là yêu nhau được! Khanh bênh vực.
- Thôi. Em mong chị một điều. Chị nói lại với ông bà Toàn là Nga vẫn an tòan, hai đứa nó đang vui vẻ, chúng nó đang sống trong "Tình Yêu Và Hạnh Phúc".

Phùng Mai Thành thật cảm ơn bạn đã đọc đến đây.

No comments:

Post a Comment